Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nữ giáo sư nặng lòng với cây lúa

Khánh Vũ| 14/08/2019 06:48

(HNM) - Giáo sư Nguyễn Thị Lang là nhà khoa học nữ đầu tiên được vinh danh trong Giải thưởng Trần Đại Nghĩa với đề tài mang tâm huyết 25 năm của bà về nghiên cứu, chọn tạo những giống lúa cho năng suất, chất lượng tốt trong điều kiện ngập mặn, chống chọi được sâu hại, thiên nhiên khắc nghiệt.

Đi tìm cây "lúa ma”

Ba tháng sau khi có mặt tại Hà Nội để nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, khi được hỏi về công việc đang làm ở phương Nam, vị “Giáo sư lội đồng” Nguyễn Thị Lang cười giòn giã: “Thì vẫn thế thôi, ngày ngày tôi làm việc ở Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long, rồi Bộ môn Công nghệ sinh học Trường Đại học Cửu Long hoặc đến với những người nông dân, các doanh nghiệp, để đưa giống lúa tốt của mình tới tay họ”.

Giáo sư Nguyễn Thị Lang.

Nhớ lại những ngày tháng 5-2019, khi phát biểu tại lễ trao giải Trần Đại Nghĩa, nữ giáo sư bày tỏ nỗi trăn trở: Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới, nhưng giá lúa thấp, đầu ra không ổn định đang là những thiệt thòi rất lớn với người nông dân. Trong khi đó, về chất lượng, gạo của Việt Nam không thua kém các nước. Vấn đề nằm ở khâu sản xuất và công nghệ sản xuất hạt giống chưa đồng đều. Cũng vì lẽ đó mà đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long” ra đời và giành giải thưởng cao quý.

Bên cạnh những suy tư của người làm khoa học, Giáo sư Nguyễn Thị Lang luôn nhận mình là một nông dân thực thụ, với những câu hỏi đời thường luôn thôi thúc: “Trước kia tôi đã từng thấy những giống lúa cho cơm ăn rất ngon, nhưng giờ đã mất. Vì thế, tôi nghĩ mình phải đi tìm nguồn gen của lúa”. Sự thôi thúc ấy cũng là yếu tố làm nên điểm nổi bật của công trình: Chọn tạo thành công các giống lúa chịu mặn có nguồn gốc từ giống lúa trời, hay còn gọi là “lúa ma” ở vùng Đồng Tháp Mười.

Từ hơn 20 năm nay, cùng với người bạn đời, cũng là đồng nghiệp - Giáo sư Bùi Chí Bửu, bà đã đi tìm bằng được cây "lúa ma” - tổ tiên của giống lúa trồng hiện nay. Bà cho biết, trên thế giới hiện có 26 loài “lúa ma” hoang dại, riêng ở Việt Nam có 4 nhóm… Một số loại "lúa ma" có gen kháng bệnh rất tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Bà cùng Giáo sư Bùi Chí Bửu đã bỏ hàng chục năm tâm huyết để nghiên cứu, lai tạo các giống lúa mới có bố là “lúa ma”. Ngoài những loài “lúa ma” có tại Việt Nam, bà còn thử lai một số giống “lúa ma” khác với các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao của Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ.

Sau rất nhiều công sức, bà đã có một “bảo tàng lúa ma” của Việt Nam ở Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây, bà đã lai tạo thành công hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống đã được đưa vào sản xuất; 106 giống lúa được đánh giá là triển vọng và đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia. Trong đó, nhiều giống lúa lai gánh “nhiệm vụ” đặc biệt, là khả năng thích ứng với vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long. “Với tình trạng nước mặn xâm nhập ở Việt Nam như hiện nay, chúng ta phải lo bài toán chọn giống lúa trước biến đổi khí hậu, không có giống chịu mặn thì không đủ sản lượng xuất khẩu”, Giáo sư Nguyễn Thị Lang chia sẻ.

Nói về ngành Nông nghiệp Việt Nam trong tương lai, bà cho rằng, lĩnh vực này sẽ có những bước tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Từ đó, cây lúa sẽ từng bước đáp ứng được cả hai mục tiêu chiến lược là an toàn lương thực và đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước khi hội nhập quốc tế.

Những nghiên cứu vì cuộc sống

Sinh ra ở Bến Tre, người phụ nữ sinh năm 1957 này đã yêu và gắn bó với cây lúa từ khi còn là sinh viên ngành Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1994 bà bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Di truyền chọn giống và được phong hàm Giáo sư năm 2009. Trải qua nhiều cương vị, bà đã dành trọn 25 năm để đồng hành với công trình lớn của đời mình. Khi nghe nhiều người bày tỏ ngạc nhiên về sự kiên trì, bền bỉ trong một khoảng thời gian rất dài ấy, bà lý giải một cách đơn giản: Thường một số nhà khoa học xong dự án này là chuyển qua nghiên cứu dự án khác, nhưng tôi không dừng lại. Bằng mọi giá tôi phải nghiên cứu tiếp để dự án phát triển.

Chia sẻ về quan niệm phổ biến bấy lâu nay, rằng làm khoa học thường nghèo, bà cho rằng: "Ý này đúng, nhưng không đủ. Đúng là nhà khoa học thường phải bỏ kinh phí ra trước để làm, lương nhiều khi chỉ đủ ăn nhưng vẫn phải dành một khoản tiền để làm nghiên cứu. Rồi kinh phí dự án chỉ cho phép thử nghiệm một lần, nếu thất bại phải tự bỏ tiền làm lại, nhưng làm sao có thể thành công với một lần thử nghiệm? Còn nói về nghèo, tôi lại cho rằng, người làm khoa học sẽ không nghèo nếu những sản phẩm nghiên cứu của họ có tiềm năng, được thương mại hóa. Khó khăn nhất với tôi là làm sao đưa những thành quả tâm huyết của mình tới được đồng ruộng".

Bà nhấn mạnh thêm: Mỗi khi nghiên cứu xong, phải nghĩ ngay tới việc đưa sản phẩm ấy chuyển giao cho người nông dân. Đây là việc không dễ, bởi phải qua nhiều công đoạn, phải thuyết phục rất nhiều người. Có khi bà cho dân giống, không lấy tiền. Thậm chí, bà còn cùng họ gieo giống, chăm sóc lúa trên ruộng, bởi không gì thuyết phục hơn là sự thành công từ mùa vụ...

Không chỉ dừng ở những thành công đã đạt được, sau mỗi công trình, các câu hỏi, những ý tưởng lại xuất hiện, thúc đẩy bà tiếp tục nghiên cứu để đáp ứng những nhu cầu mới của cuộc sống. Giáo sư Nguyễn Thị Lang chia sẻ, bà đang nghiên cứu giống lúa dành cho người mắc bệnh tiểu đường. Những giai đoạn đầu của công trình đã hoàn tất, kết quả chuẩn bị được đưa vào ứng dụng thực tiễn. Các chỉ tiêu của giống lúa đã được gửi sang Bỉ và Australia để kiểm nghiệm và đã đạt yêu cầu. Loại gạo mới từ giống lúa này đang được sản xuất thử. Đáng chú ý, giống lúa đặc biệt này phù hợp với khí hậu trên cả nước, có thể gieo cấy rộng rãi.

Mặc dù những thành công trong nghiên cứu của bà được đánh giá mang ý nghĩa thực tiễn cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển sản xuất lúa gạo trong nước và nâng cao vị trí ngành Sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới, nhưng khi nhận giải, bà khiêm tốn trích dẫn câu nói của đại thi hào Tagore: “Chúng ta biết ơn ngọn đèn cho chúng ta ánh sáng. Chúng ta cũng phải biết ơn giá - chân đèn đã âm thầm đứng trong bóng tối để mang ngọn đèn tỏa sáng khắp nơi nơi”... Sự bền bỉ, khiêm nhường của nữ Giáo sư Nguyễn Thị Lang thật đáng trân quý, bởi bà cũng như giá - chân đèn đứng trong bóng tối, nơi âm thầm nuôi dưỡng những nguồn sáng cho tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ giáo sư nặng lòng với cây lúa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.