Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rượu, bia và những hệ lụy

Thu Trang| 28/08/2018 06:26

(HNM) - Uống rượu, bia là thói quen của người Việt Nam trong những dịp lễ, Tết, hội hè. Tuy nhiên, tình trạng


Sau những cuộc vui có không ít nỗi buồn khi tai nạn giao thông xảy ra do sử dụng rượu, bia.


Hệ lụy sau cơn say…

Ngay tại thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là đến dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã sẵn sàng về mọi mặt, từ nhân sự đến trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế... Sở dĩ phải chuẩn bị kỹ như vậy là vì vào mỗi dịp nghỉ lễ, lượng bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, số ca chấn thương nặng, tử vong do tai nạn giao thông thường tăng mạnh, mà một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là bệnh nhân, nạn nhân đã “quá chén”.

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay gắn với đợt nghỉ cuối tuần, vì vậy, ngoài lực lượng trực như các ngày nghỉ thông thường, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức còn thành lập Ban Chỉ đạo trực cấp cứu, lập danh sách các bác sĩ, nhân viên trực dự bị để có thể huy động bất cứ lúc nào. Ngoài ra, bệnh viện cũng có một đội cấp cứu ngoại viện luôn sẵn sàng. Ông Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh viện thường rơi vào cảnh “vỡ trận” khi số bệnh nhân cấp cứu tăng đột biến vào mỗi đợt nghỉ lễ, trong đó, số vụ tai nạn giao thông do lạm dụng rượu, bia chiếm tỷ lệ không nhỏ. Nhiều nạn nhân là thanh niên lái xe trong tình trạng say rượu, không làm chủ được tốc độ nên đâm vào người khác hoặc tự gây tai nạn. Có những trường hợp tử vong khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều người, dù được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi cái chết nhưng lại bị di chứng suốt đời như: Mất khả năng nhận thức, khả năng diễn đạt, không còn khả năng lao động, cụt tay, cụt chân…

Tương tự, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã lên phương án sẵn sàng tiếp nhận những bệnh nhân bị ngộ độc rượu, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy cấp, men gan tăng cao, xơ gan… - hậu quả của việc uống rượu, bia quá đà. Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, trên thực tế, việc sử dụng quá nhiều rượu, bia gây tổn hại nghiêm trọng cho gan, làm men gan tăng cao, phá hủy tế bào gan. Khi tế bào gan bị phá hủy thì rất khó phục hồi. “Việc uống rượu trong thời gian dài sẽ gây xơ gan, viêm tụy. Từ xơ gan đến khi tử vong là cả một quá trình dài điều trị, là gánh nặng của gia đình và xã hội”, Tiến sĩ Dương Đức Hùng nhấn mạnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 30 loại bệnh do sử dụng rượu, bia. Loại đồ uống này cũng là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. WHO cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam là cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất (lượng rượu bia quy đổi) trong một năm. Con số tương ứng ở Mông Cổ là 7,4 lít; Trung Quốc 7,2 lít; Campuchia 6,7 lít; Philippines 6,6 lít và Singapore là 2 lít. Chỉ tính trong năm 2016, việc lạm dụng rượu, bia ở nước ta dẫn tới 79.000 ca tử vong...

Tăng cường kiểm soát nguồn rượu trôi nổi

Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, trong đó có quy định các biện pháp giảm tác hại, giảm mức tiêu thụ, kiểm soát việc cung cấp rượu, bia... Dự kiến, dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới đây.

Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông do lạm dụng rượu, bia.


Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam cho rằng, xây dựng luật này là cần thiết bởi việc bảo vệ sức khỏe người dân là trách nhiệm chung của cộng đồng. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cần kiểm soát tốt hoạt động nấu rượu thủ công bởi loại rượu này không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm, là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Dự thảo luật cần làm rõ hơn về các nội dung quản lý, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong kiểm soát việc nấu rượu thủ công, kinh doanh rượu trôi nổi trên thị trường.

Trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, Bộ Y tế có đề cập đến việc thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, hiện nay, một tỷ lệ rất lớn rượu nấu thủ công, rượu nhập lậu, rượu giả… không phải chịu bất cứ loại thuế nào. Vì vậy, việc thành lập quỹ này cũng chỉ tác động được tới các sản phẩm có nhãn mác, đăng ký rõ ràng; còn những sản phẩm trôi nổi thì rất khó kiểm soát. Giải pháp tốt hơn là quy định các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có cồn phải tiếp tục duy trì một khoản kinh phí dành cho các chương trình tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về việc sử dụng rượu, bia.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ dân số sử dụng rượu, bia ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ có uống rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi) rất cao (47,5%), và trong độ tuổi 18-21 là 67%. Tỷ lệ phụ nữ chịu hậu quả từ việc người thân trong gia đình sử dụng rượu, bia nhiều gấp 7 lần so với nam giới, 21% trẻ em đã chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người xung quanh...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rượu, bia và những hệ lụy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.