Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân đã hiểu rõ về thủy ngân sau khi được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe

Hương Thủy| 12/09/2019 11:34

(HNMO) - Được các chuyên gia y tế thông tin, giải đáp về vấn đề sức khỏe sau vụ cháy tại Công ty

cổ phần Bóng đèn phích nướcRạng Đông, nhiều người dân phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã hiểu rõ hơn và không còn quá lo lắng như trước.

Nồng độ thủy ngân máu dưới 10mcg/L là an toàn

Sáng 12-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân tổ chức truyền thông hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho người dân phường Hạ Đình sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông. Trước đó, ngày 11-9, công tác này đã được thực hiện tại phường Thanh Xuân Trung.

Người dân nghe về cách chăm sóc sức khỏe sau vụ cháy.

Cũng giống như buổi truyền thông hôm qua, Ths.BS Chử Thị Chung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã thông tin đến người dân về những ứng dụng thủy ngân trong nhiều ngành; đồng thời, chỉ ra những con đường thủy ngân có thể xâm nhập vào cơ thể và biểu hiện khi bị nhiễm thủy ngân.

Theo bác sĩ Chử Thị Chung, thủy ngân xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da, tiêu hóa và hô hấp; trong đó, lượng thủy ngân được hấp thụ nhiều nhất qua hô hấp, còn qua đường tiêu hóa rất thấp, chỉ khoảng 0,01%.

Chuyên gia này đã hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe nhằm phòng tránh nhiễm độc thủy ngân, như: Thực hiện vệ sinh, lau rửa nhà cửa sạch sẽ; sử dụng nguồn nước máy trong ăn uống, sinh hoạt; không sử dụng nước giếng khoan chưa qua kiểm soát; vệ sinh, thau rửa bể chứa nước nếu bị hở…

Ths.BS Lỗ Văn Tùng, chuyên gia của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường trả lời thắc mắc của người dân.

Nhiều người dân đã đặt câu đến các chuyên gia xung quanh việc tàn tro từ vụ cháy có còn thủy ngân hay không? Mức thủy ngân trong cơ thể bao nhiêu là an toàn? Trình tự khám sức khỏe để phát hiện nhiễm thủy ngân...

Trả lời thắc mắc của người dân, Ths.BS Lỗ Văn Tùng, chuyên gia của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, khi cháy, thủy ngân bay hơi và đi vào không khí. Kết quả quan trắc nồng độ thủy ngân trong không khí của cơ quan chuyên môn sau những ngày xảy ra vụ cháy là an toàn.

Tuy nhiên, trong than, xỉ còn lại từ vụ cháy có thể vẫn còn thủy ngân. Vì vậy, những ngày qua, UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để thủy ngân không phát tán ra môi trường xung quanh; đồng thời, tiến hành dọn rác thải, tẩy độc khu vực bị cháy nhằm đảm bảo môi trường hoàn toàn an toàn.

Trước lo lắng về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân của người dân, chuyên gia Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường khẳng định, kết quả xét nghiệm máu của những phóng viên, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã làm nhiệm vụ nhiều giờ, trực tiếp tại vụ cháy đều cho thấy ở ngưỡng an toàn. Bên cạnh đó, mẫu xét nghiệm của người dân đi khám những ngày qua được gửi về Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đều cho kết quả trong ngưỡng cho phép.

“Nồng độ thủy ngân trong máu dưới 10mcg/L được coi là an toàn. Trong cơ thể chúng ta ai cũng có một lượng thủy ngân nhất định. Bản thân tôi mới đi xét nghiệm cũng có mức thủy ngân trong máu là 2,7mcg/L, cao hơn cả kết quả của một bác ở phường Thanh Xuân Trung sinh sống trong bán kính 500m từ vụ cháy đưa ra hôm qua là 0,56mcg/L”, chuyên gia này nói.

Ths.BS Hà Lan Phương trả lời thắc mắc của người dân

Người dân đã bớt lo lắng

Cùng tham gia trả lời, Ths.BS Hà Lan Phương, Phó trưởng Khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho hay, khi khám sức khỏe để biết nhiễm thủy ngân hay không, người đến khám sẽ được khám lâm sàng tổng quát, làm một số xét nghiệm cơ bản về chức năng gan, thận và làm xét nghiệm đặc hiệu thủy ngân trong máu, nước tiểu. 

Chuyên gia này khuyến cáo, người dân chỉ khi thấy có các dấu hiệu điển hình mới cần thiết đến Trạm Y tế phường Thanh Xuân Trung và phường Hạ Đình để kiểm tra.

Sau khi được tư vấn và được giải đáp bằng nhiều thông tin bổ ích, nhiều người dân đã hiểu chính xác hơn cách chăm sóc sức khỏe sau vụ cháy và cũng bớt lo lắng. 

Ông Vũ Anh Dân.

Ông Vũ Anh Dân (sống tại tổ 13, khu dân cư số 6, phường Hạ Đình) cho biết, nhà ông cách Công ty Rạng Đông khoảng 400m. Sau khi vụ cháy xảy ra, nhiều người đã giục gia đình ông đưa trẻ đi sơ tán nhưng gia đình không làm theo. Để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, ông đã đổ hết nước trong thùng, chậu không được đậy kín; cắt bỏ hết rau được trồng ở các khoảng không trong nhà...

“Tuy nhiên, tôi vẫn chưa làm đủ theo hướng dẫn là vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thay ga gối và đổ đất trồng rau để thay đất mới. Hôm nay về tôi sẽ thực hiện”, ông Dân nói.

Theo ông Dân, buổi truyền thông hôm nay là một hoạt động hữu ích nữa cho thấy thành phố đã rất quan tâm đến sức khỏe của người dân. Ông sẽ phổ biến lại những thông tin đã nắm được đến những cư dân khác để mọi người yên tâm.

Bà Nguyễn Thị Nhung.

Bà Nguyễn Thị Nhung (tổ 6, khu dân cư số 3, phường Hạ Đình) cho hay, gia đình bà có 4 trẻ nhỏ nhưng cũng không cho trẻ đi sơ tán. Ngay sau vụ cháy, hằng ngày, bà đã lau dọn nhà cửa sạch sẽ, đóng kín cửa, lọc nước dùng để ăn uống, cho trẻ dùng khẩu trang khi đi học...

Theo  bà, thời gian qua, thông tin trái chiều về kết quả trắc nghiệm thủy ngân trong môi trường khiến người dân không tránh khỏi lo lắng. Bà Nhung đánh giá, sự tư vấn của các chuyên gia hôm nay đã giúp bà và nhiều người hiểu hơn về thủy ngân, biết rằng cơ thể ai cũng có thủy ngân và thủy ngân trong cơ thể ở mức bao nhiêu là an toàn..., đồng thời cũng được cập nhật cách chăm sóc sức khỏe cho gia đình. Vì vậy, bà Nhung thấy yên tâm hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân đã hiểu rõ về thủy ngân sau khi được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.