Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay tiếp cận vốn tín dụng

Ngọc Quỳnh| 12/01/2018 07:24

(HNM) - Do nhiều nguyên nhân như không có tài sản thế chấp, phương án sản xuất - kinh doanh chưa hiệu quả... nên nhiều hợp tác xã vẫn loay hoay tiếp cận nguồn vốn này.


Ảnh minh họa: Internet


Kết quả rà soát của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay đối với hợp tác xã theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tính đến nay đạt khoảng 3.200 tỷ đồng. Trong đó cho vay không có tài sản bảo đảm là 70 tỷ đồng với 35 hợp tác xã, chiếm tỷ trọng rất ít (khoảng 2,18%) trong tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Qua rà soát, hiện chỉ có 0,4% số hợp tác xã đang hoạt động được tiếp cận vay vốn tín dụng.

Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp An Mỹ, huyện Mỹ Đức cho biết: "Hiện hợp tác xã liên kết với một số doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các thành viên, vào vụ thu hoạch cần lượng vốn lớn, chúng tôi muốn vay của ngân hàng nhưng hầu như không tiếp cận được vì không có tài sản thế chấp. Muốn được vay bằng tín chấp, hợp tác xã phải có phương án kinh doanh khả thi, trong khi năng lực của đơn vị còn hạn chế, nên không vay được vốn của ngân hàng". Còn ông Nguyễn Trọng Long, chủ trang trại chăn nuôi xã Tân Ước, huyện Thanh Oai cho biết: "Tôi đã đầu tư trang trại hàng chục tỷ đồng, làm ăn có lãi và đang mở rộng quy mô sản xuất nhưng rất khó tiếp cận vốn vay của ngân hàng thương mại do gặp khó khăn trong hoàn thiện thủ tục xác nhận quyền sở hữu tài sản trên đất".

Lý giải về những khó khăn trong việc cho vay của ngân hàng đối với hợp tác xã, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết: Nhiều hợp tác xã vẫn chưa tiếp cận được chính sách tín dụng và khó tiếp cận vay vốn của ngân hàng thương mại do các đơn vị không đáp ứng được điều khoản, thủ tục cho vay. Ngoài ra, nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được phương án sản xuất - kinh doanh khả thi nên không vay được vốn ngân hàng. Thậm chí, một số đơn vị sử dụng nguồn vốn không hiệu quả, sai mục đích, dẫn tới nợ xấu.

Theo Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam: Hầu hết doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh thấp nên chưa tạo được nguồn sản phẩm hàng hóa lớn. Các tài sản bảo đảm khoản vay của nông dân, hợp tác xã chủ yếu là ruộng đất, những vấn đề về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát mại tài sản khi nợ xấu phát sinh cũng khiến ngân hàng gặp rắc rối.

Để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, bà Bùi Hường Bích, nông dân thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng kiến nghị, các ngành chức năng cần đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất, ghi nhận công trình trên đất như: Nhà kính, chuồng trại chăn nuôi theo cấp hạng phù hợp trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Đề cập giải pháp tháo gỡ khó khăn trên, Phó Trưởng ban Tín dụng Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Văn Nhất cho rằng: Để chính sách tín dụng phát huy hiệu quả đối với nông nghiệp, nông thôn, các địa phương đẩy mạnh tích tụ ruộng đất đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, tránh tình trạng sản xuất manh mún dẫn tới hiệu quả thấp. Các bộ, ngành khi xây dựng hỗ trợ vốn cho nông nghiệp cần có sự đổi mới để giảm thiểu rủi ro và chi phí cho ngân hàng thương mại khi thực hiện cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trường hợp cần thiết có thể hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho hợp tác xã vay vốn, nhất là hợp tác xã nông nghiệp. Ngân hàng Nhà nước nên chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan tìm cơ chế tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP theo hướng mở rộng điều kiện cho vay đối với hợp tác xã không có tài sản bảo đảm, từ thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng sang hợp đồng liên kết với doanh nghiệp mua giống, vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, có cơ chế định giá tài sản khi vay vốn và cho phép hợp tác xã được dùng tài sản hình thành trên đất để thế chấp vay vốn tín dụng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay tiếp cận vốn tín dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.