Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ

Hà Linh| 01/09/2018 07:08

(HNM) - Tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế...


Sau những ý kiến xoay quanh việc nên hay không nâng lãi suất USD lên quanh mức 1%, trong chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rất rõ chính sách đối với đồng ngoại tệ này. Cụ thể, sẽ giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Trên thực tế, sau nhiều năm, những kỳ vọng về đồng USD đang dần bị xóa bỏ trong cá nhân cũng như doanh nghiệp. Kể từ khi lãi suất huy động USD được đưa về 0%, những “cơn sốt” USD trên thị trường chợ đen không còn diễn ra. Thói quen tích trữ USD cũng dần được thay đổi, không ít người đã chuyển từ giữ USD sang VND để được hưởng lãi suất ngân hàng. Bởi vậy, nền kinh tế tiến dần đến ngừng cho vay ngoại tệ được đánh giá là chính sách đúng đắn của Chính phủ.

Các ngân hàng cùng nhiều chuyên gia kinh tế đều đánh giá, chính sách giảm dần huy động, cho vay ngoại tệ và tiến đến việc chấm dứt cho vay ngoại tệ trong vòng khoảng 10 năm tới là hợp lý, tiến tới thực hiện chủ trương hoàn toàn chống đô la hóa và chủ trương chỉ có 1 đồng nội tệ có thể giao dịch ở Việt Nam. Khi đó, tất cả những nguồn ngoại tệ gửi về Việt Nam muốn gửi tiền tại các ngân hàng thương mại sẽ phải đổi từ ngoại tệ sang VND và doanh nghiệp chỉ vay vốn bằng nội tệ. Với chính sách này sẽ góp phần nâng cao giá trị của đồng nội tệ, giảm áp lực về ngoại tệ cho cơ quan điều hành, mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay nền kinh tế vẫn còn dùng đồng nội tệ và ngoại tệ làm cho Việt Nam rất khó khăn trong vấn đề thực hiện chính sách tiền tệ một cách độc lập, nên yêu cầu chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế là điều cần thiết.

Tuy nhiên, việc chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ không nên diễn ra ngay lập tức, mà cần có lộ trình để doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị. Theo chính sách của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ, nhưng thực tế, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần vay ngoại tệ để giảm gánh nặng chi phí.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ trong năm 2019 thì cần cho biết thời điểm chấm dứt hoạt động cho vay ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước cũng cần tính toán nhu cầu sát với thực tế và tuân thủ chặt chẽ, không thay đổi lộ trình mới thực hiện được mục tiêu chấm dứt vay ngoại tệ trong nền kinh tế. Riêng đối với các ngân hàng, trong kế hoạch kinh doanh hằng năm cũng phải tính tới lộ trình giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng. Để thay cho nguồn đó, các ngân hàng cần có những biện pháp để giúp khách hàng giảm bớt gánh nặng chi phí khi chấm dứt vay ngoại tệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.