Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bám sát thực tế, chủ động vượt khó

Hà Linh| 12/01/2019 07:15

(HNM) - Năm 2018 vừa đi qua được đánh giá là một năm thành công của ngành Ngân hàng.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng LienVietPostBank.


Những khó khăn nội tại

Tăng trưởng tín dụng 14%, lãi suất cho vay 6-9%/năm (ngắn hạn), 9-11%/năm (trung và dài hạn), mua ròng hơn 6 tỷ USD, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm về 1,89%... là những con số cơ bản về kết quả đạt được của ngành Ngân hàng năm 2018. Hệ thống ngân hàng đã có một năm khá thành công, thực hiện vai trò trụ cột trong nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những tồn tại trước đây của ngành Ngân hàng đã hoàn toàn biến mất.

Ngành Ngân hàng được dự báo có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt với các tồn đọng như quản trị rủi ro, nợ xấu, áp lực tăng vốn... Trong đó, vấn đề tăng vốn được coi là khó khăn lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng trong năm nay. Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành (ngày 30-12-2016) quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ ngày 1-1-2020, các ngân hàng sẽ phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn về vốn. Cụ thể, điều chỉnh tỷ lệ an toàn vốn từ 9% xuống 8%, bổ sung yêu cầu vốn cho rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Ngoài ra, một khó khăn khác chính là khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, các ngân hàng nội phải chịu sức ép từ việc các ngân hàng nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam.

Theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), việc cấp bách của VietinBank hiện nay là tăng vốn điều lệ. VietinBank đã xây dựng phương án tăng vốn và đã được Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ. Hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank đã giảm tới sát mức tối thiểu theo quy định của pháp luật, trong khi các biện pháp tăng vốn tự có (gồm cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2) được VietinBank khai thác tối đa và đã tới thời hạn theo quy định. Trong suốt 10 năm qua, kể từ sau khi VietinBank cổ phần hóa (năm 2008), quy mô về vốn tự có, quy mô về tài sản của ngân hàng đã tăng hơn 6 lần. Việc tăng vốn điều lệ là để VietinBank có khả năng mở rộng huy động vốn, cấp tín dụng cho nền kinh tế, đáp ứng các nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân, phục vụ cho tăng trưởng kinh tế cũng như bảo đảm tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Bùi Quang Tín - Khoa Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh), do độ mở của nền kinh tế, năm 2019 việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá có thể sẽ gặp nhiều thách thức và chịu ảnh hưởng từ các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới. Đặc biệt, việc điều hành tỷ giá, lãi suất sẽ có nhiều yếu tố khó lường khi cuộc chiến thương mại leo thang và chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ và nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Tiếp tục chính sách tiền tệ linh hoạt

Trước những vấn đề nội tại của ngành Ngân hàng, Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho rằng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiên trì điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đồng thời, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 diễn ra mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhận định, để có thể thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, tăng trưởng kinh tế 6,8% trong bối cảnh kinh tế thế giới có biến động phức tạp khó lường, các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với ngành Ngân hàng trong 2019 là rất nặng nề. Do đó, ngành Ngân hàng sẽ tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Năm 2019, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Ngành Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục triển khai đề án "Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020", trong đó tập trung xử lý hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém. Tập trung triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giảm dần tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế. Xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới. Giám sát các hệ thống thanh toán, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử...

Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, ngành Ngân hàng sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với Ngân hàng Nhà nước và giao dịch với tổ chức tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bám sát thực tế, chủ động vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.