Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mặt bằng trong tầm kiểm soát

Hà Linh| 02/03/2019 07:24

(HNM) - Không chỉ tăng lãi suất thời điểm trước Tết Nguyên đán, thời gian gần đây, lãi suất huy động tiếp tục được một số ngân hàng điều chỉnh nhằm thu hút khách hàng gửi tiền.

Khách hàng giao dịch tại HDBank.


Lãi suất huy động cao nhất khoảng 9%/năm

Dẫn đầu xu hướng điều chỉnh lãi suất ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019 là Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Cụ thể, ngân hàng này tăng lãi suất 0,1-0,4%/năm đối với hầu hết các kỳ hạn, trong đó mức tăng cao nhất cho kỳ hạn 6 tháng, lên 6,3%/năm.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MBBank) lại thay đổi biểu lãi suất huy động đối với gửi tiết kiệm VND, nhưng chủ yếu cho kỳ hạn dài 13-18 tháng, với mức tăng khoảng 0,3%/năm lên 7,2%/năm. Những kỳ hạn khác vẫn được ngân hàng này giữ nguyên.

Trong khi đó, một số ngân hàng lại tăng lãi suất theo thời điểm. Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) tăng lãi suất tiền gửi cho khách hàng chỉ trong vài ngày cuối tháng 2. Theo đó, cá nhân gửi tiền tiết kiệm và đang sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán sẽ được HDBank tăng lãi suất 0,8%/năm, lên mức cao nhất là 7,6%/năm. Khách hàng doanh nghiệp được cộng thêm 0,2%/năm so với trước, lên tối đa 7,2%/năm.

Tại thời điểm này, mức lãi suất cao đang được áp dụng có thể là mức 8,65%/năm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đối với sản phẩm “Tiết kiệm Đắc lộc phát” và “Tiết kiệm Online” cho các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng áp dụng lãi suất lên đến 8,6%/năm với kỳ hạn 24 tháng.

Tuy nhiên, nếu cộng thêm các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay có thể đã đến ngưỡng 9%/năm. Nếu khảo sát biểu lãi suất được các ngân hàng áp dụng, có hơn 10 ngân hàng đang dành lãi suất từ 8%/năm trở lên, nhưng chủ yếu với các kỳ hạn dài.

Theo dõi sát biến động thị trường

Khi lãi suất huy động tăng, khách hàng cá nhân là những người hưởng ứng đầu tiên, bởi với mức lãi suất tiền gửi VND hấp dẫn, họ sẽ không còn phải băn khoăn lựa chọn kênh đầu tư. Trên thực tế, với những người thích sự ổn định, ít rủi ro thì gửi tiết kiệm là lựa chọn số 1, vì kênh này vẫn mang lại lợi nhuận.

Chị Nguyễn Thị Hòa (số 3 ngách 32/18 Tô Ngọc Vân, Hà Nội) cho biết: "Do chưa nghiên cứu được thị trường chứng khoán, hay bất động sản, nên tôi chỉ chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng. Đây là kênh đầu tư không gây áp lực cho người tham gia, mà vẫn có lợi nhuận. Trước đây, lãi suất tiền gửi có thời điểm chỉ vượt qua 5%/năm, đến nay mức lãi suất đã vượt 8%/năm ở một số ngân hàng, nên tôi lựa chọn hình thức này để gửi tiền. Theo tôi, đây là mức lãi suất đủ sức hấp dẫn người gửi tiền".

Tuy nhiên, với khách hàng vay tiền, đặc biệt là doanh nghiệp, lãi suất huy động tăng lại khiến họ lo lắng vì lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Theo ông Nguyễn Bá Lộc (thành viên Hội đồng quản trị Công ty Eliss), nếu lãi suất huy động cao nhất đang ở mức 8,65%/năm, lãi suất cho vay có thể lên hơn 12%/năm, chưa kể các chi phí khác. Song, có không ít ngân hàng vẫn chỉ duy trì lãi suất huy động cho kỳ hạn dài trên 6%/năm, nên doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong việc “gõ cửa” ngân hàng vay vốn.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, lý do ngân hàng đua tăng lãi suất là để đáp ứng nhu cầu thời vụ. Thời điểm cuối năm và đầu năm là cao điểm trong việc sử dụng vốn của cá nhân cũng như doanh nghiệp.

Ngoài ra, ngân hàng cần có thêm nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 16/2018/TT-NHNN (ngày 31-7-2018) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% còn 40% từ ngày 1-1-2019... Dù vậy, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động chưa ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất cho vay, bởi định hướng của Chính phủ là giữ ổn định để hỗ trợ nền kinh tế.

Thực tế, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động VND vẫn đúng theo quy định. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, đến nay Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng trần lãi suất đối với tiền gửi VND kỳ hạn dưới 6 tháng. Bởi, thị trường vốn phát triển, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng vẫn là kênh chủ lực. Việc sử dụng một cách có chọn lọc với liều lượng và thời điểm phù hợp những biện pháp hành chính vẫn còn cần thiết để bảo đảm an toàn thị trường tiền tệ.

Bên cạnh đó, số lượng tổ chức tín dụng tương đối nhiều, nhưng chất lượng chưa đồng đều, nên trần lãi suất huy động VND dưới 6 tháng được duy trì ở mức hợp lý, bám sát cung cầu thị trường cũng có tác dụng giữ ổn định thị trường tiền tệ và neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của thị trường. Do đó, việc áp dụng trần lãi suất trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Khi hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động tốt hơn, an toàn và lành mạnh hơn, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét dỡ bỏ biện pháp hành chính không cần thiết.

Về điều hành lãi suất năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát các biến động trên thị trường và các tác động từ bên ngoài, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để có chính sách điều hành phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mặt bằng trong tầm kiểm soát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.