Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nợ xấu - Chặt chẽ và linh hoạt

Hà Linh| 29/06/2019 07:09

(HNM) - Chiếm 2,02% tổng dư nợ, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã được kiểm soát và ở dưới ngưỡng nguy hiểm.

Nợ xấu đã ở dưới ngưỡng nguy hiểm nhưng vẫn cần được theo dõi, có giải pháp xử lý phù hợp. Ảnh: Mạnh Hùng


Đã xử lý 907.330 tỷ đồng nợ xấu

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 907.330 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 2,02%. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Riêng kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 (Quốc hội thông qua ngày 21-6-2017) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, lũy kế từ ngày 15-8-2017 đến hết tháng 3-2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 227.860 tỷ đồng nợ xấu.

Mặc dù số nợ xấu đã được xử lý khá lớn, song thống kê số nợ xấu của nhiều ngân hàng thương mại vừa công bố công khai trong các báo cáo tài chính cho thấy, tổng số nợ xấu của 22 ngân hàng (trong hơn 50 tổ chức tín dụng) là hơn 84.200 tỷ đồng, tăng hơn 4.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2019. Nếu so với cuối năm 2018, tổng số nợ xấu đã tăng 5,9%, trong khi tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của 22 ngân hàng này chỉ đạt 3,46%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của những ngân hàng này tăng từ 1,62% lên 1,66%. Số ngân hàng thương mại có nợ xấu tăng vẫn chiếm đa số, trong đó 15/22 ngân hàng có nợ xấu tăng so với thời điểm đầu năm 2019.

Còn đối với việc xử lý nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), hiện đã có không ít ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC. Một số ngân hàng khác cũng đang có kế hoạch cụ thể cho việc xóa nợ xấu tại VAMC.

Về vấn đề này, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết: "Ngân hàng có kế hoạch mua lại toàn bộ nợ xấu từ VAMC, bởi VPBank còn hơn 3.100 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC. Trong đó, đã có gần 1.500 tỷ đồng đưa vào trích lập dự phòng, nên phần còn lại chỉ còn khoảng 1.600 tỷ đồng".

Hay như đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV khẳng định, ngân hàng sẽ tăng cường biện pháp thu hồi các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu đã bán cho VAMC, phấn đấu mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2019.

Cần có thị trường mua bán nợ

Rõ ràng, nợ xấu là một trong những vấn đề quan trọng cần quan tâm. Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, nợ xấu không chỉ có nguyên nhân phát sinh từ các ngân hàng, mà từ thị trường, từ sản xuất - kinh doanh của khách hàng bị suy giảm, phá sản, một số khách hàng thiếu thiện chí trong việc trả nợ ngân hàng. Do vậy, việc giải quyết nợ xấu không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Ngân hàng, mà còn là trách nhiệm của các ngành chức năng liên quan.

Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2019 là đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu cùng các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 5%. Để thực hiện mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tổ chức tín dụng, hỗ trợ công tác cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, trong đó việc cần tính đến là phải có thị trường mua - bán nợ.

Thực tế cho thấy, hiện vẫn thiếu vắng một thị trường mua - bán nợ thực sự. Theo quy định, tổ chức tín dụng được bán các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm liên quan một cách công khai, minh bạch, giá bán phù hợp với giá thị trường. Tuy nhiên, việc bán nợ vẫn tương đối hạn chế do tổ chức tín dụng chủ yếu bán nợ cho VAMC và DATC (Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam). Việc mua bán nợ giữa các tổ chức tín dụng với VAMC, DATC diễn ra lâu nay, nhưng chưa có hoạt động mua - bán nợ giữa các tổ chức tín dụng và nhất là chưa có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, kể cả nhà đầu tư nước ngoài...

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết thêm, thông tin về hàng hóa (các sản phẩm nợ xấu) trên thị trường còn thiếu minh bạch. Nguồn cung hàng hóa cho thị trường sơ cấp và thứ cấp về nợ xấu chủ yếu từ các tổ chức tín dụng, tuy nhiên số liệu nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay chỉ được báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước, nên việc tiếp cận rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc thẩm định giá các khoản nợ đang được các tổ chức thẩm định giá thực hiện chưa theo quy chuẩn thống nhất do có sự khác biệt về phương pháp, tiêu chí định giá giữa các tổ chức thẩm định. Điều này gây khó khăn cho bên mua - bên bán khoản nợ trong việc lựa chọn giá tham khảo phù hợp cho giao dịch mua, bán nợ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, quan điểm của ngành Ngân hàng là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, chặt chẽ, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô. Toàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nợ xấu - Chặt chẽ và linh hoạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.