Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác với lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Thanh Tàu| 11/11/2019 08:31

(HNM) - Gần tới cuối năm, tại thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện ngày càng nhiều phương thức lừa đảo mới của tội phạm. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khi các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật và sự mất cảnh giác của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản...

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Công an thành phố Hồ Chí Minh đến hết tháng 10-2019, toàn thành phố xảy ra 2.990 vụ phạm pháp hình sự, kéo giảm được 271 vụ, giảm 8% so với cùng kỳ 2018 (chỉ tiêu chung của toàn quốc là kéo giảm 3%). Riêng tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao, Công an thành phố đã nhận được 164 tin báo tố giác tội phạm, trong đó có nhiều vụ lừa đảo liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng. 

Vụ bà N.V.Q. (quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) là một điển hình. Bà Q. nhận được một cuộc gọi từ một người xưng danh là nhân viên ngân hàng nói bà có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản gần 40 triệu đồng. Theo người này, hồ sơ đang được chuyển qua cơ quan công an và yêu cầu bà Q. gặp điều tra viên qua điện thoại. Bà Q. được điều tra viên yêu cầu cung cấp mật khẩu tài khoản của 2 ngân hàng để phục vụ công tác điều tra. Do quá lo sợ, bà Q. làm theo. Mấy ngày sau, bà phát hiện số tiền 17 tỷ đồng trong 2 tài khoản này đã "bốc hơi". 

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mới đây một số đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên BIDV bằng cách lấy các hình ảnh hội thảo, tên cán bộ (giả mạo), các hoạt động có logo BIDV… gửi cho người dân qua các trang mạng Zalo, Facebook... Sau khi khách hàng tin tưởng, kẻ lừa đảo hứa có thể hỗ trợ khách hàng làm thủ tục vay vốn dưới 100 triệu đồng và yêu cầu khách hàng nộp phí bảo hiểm rủi ro cho khoản vay từ 1 đến 2 triệu đồng. Khi khách hàng chuyển số tiền này cho kẻ giả mạo thì gần như không liên lạc được nữa.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, người dân cần giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng; tuyệt đối không tiết lộ mã pin thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email với người lạ, kể cả nhân viên ngân hàng; không chuyển tiền cho đối tượng khi chưa xác thực; cảnh giác đối tượng giả mạo quen biết thông qua mạng xã hội, email, điện thoại, thư giấy, SMS, mạo danh nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước…

Không chỉ giả danh nhân viên ngân hàng, bọn tội phạm còn gọi điện thoại giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lừa đảo qua các giao dịch thương mại điện tử; mua bán, trộm cắp, sử dụng thông tin thẻ tín dụng của người khác để chiếm đoạt tài sản... Công an quận 3, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 10-2019, đã ghi nhận xảy ra 39 vụ liên quan đến hoạt động lừa đảo tội phạm công nghệ cao với số tiền lừa đảo lên đến hơn 3 tỷ đồng.

Còn Đại tá Lê Hoàng Châu, Trưởng Công an quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cho hay, người dân cần hết sức cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại thông báo nợ cước điện thoại, nợ tiền ngân hàng, trúng thưởng, nhận quà, xác minh, giám định. Tuyệt đối không chuyển, nộp tiền vào tài khoản cho người khác khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan bảo vệ pháp luật của nhà nước Việt Nam (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án), khi thực hiện các thủ tục tố tụng đều cử cán bộ làm việc trực tiếp với đương sự có liên quan với giấy tờ đầy đủ. Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những thủ đoạn mới của bọn tội phạm. Cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh sẽ vào cuộc quyết liệt nhằm kéo giảm loại tội phạm mới này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.