Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu cử Thượng viện Nhật Bản: “Cuộc sát hạch” lòng tin

Thùy Dương| 23/07/2019 07:45

(HNM) - Rạng sáng 22-7, kết quả cuối cùng trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản đã khẳng định chiến thắng của liên minh đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và đảng Công Minh khi giành được 71/124 ghế. Trong đó, LDP có được 57 ghế.

Dù đây là thắng lợi được dự báo song liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã không giành được 2/3 số ghế trong Thượng viện như kỳ vọng để dễ dàng thông qua các quyết định quan trọng tại Quốc hội, trong đó có việc sửa đổi Hiến pháp.

Thủ tướng Nhật Bản S.Abe (thứ 2 bên trái) gắn những bông hồng cạnh tên các ứng cử viên thắng cử của LDP trong cuộc bầu cử Thượng viện. Ảnh: TTXVN

Sau bầu cử Thượng viện, cộng với số ghế hiện có, liên minh cầm quyền đang nắm giữ 141/245 ghế trong khi phải cần 164 ghế trở lên mới có thể thông qua sửa đổi Hiến pháp. Như vậy, kế hoạch được Thủ tướng S.Abe đặt mục tiêu vào năm 2020 này cần sự nhất trí của 2/3 số nghị sĩ của cả hai viện Quốc hội và sự ủng hộ của đa số trong một cuộc trưng cầu ý dân.

Hiến pháp của Nhật Bản do Mỹ soạn thảo sau Thế chiến II và được người dân nước này bỏ phiếu thông qua. Trong đó, Điều 9 quy định "các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không cũng như các lực lượng chuẩn bị chiến tranh không bao giờ được phép duy trì". Năm 2015, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một đạo luật cho phép lực lượng phòng vệ tham chiến ở nước ngoài. Nhưng vai trò của đội quân này sẽ được mở rộng hơn nếu như việc sửa đổi Hiến pháp của Thủ tướng S.Abe hoàn tất.

Những người ủng hộ cho rằng quyết định này sẽ gửi đi thông điệp Nhật Bản có đủ năng lực tự vệ trước những thách thức an ninh tại khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong các cuộc thăm dò, phần lớn cử tri không coi việc sửa đổi Hiến pháp từ năm 1947 là ưu tiên so với các vấn đề khác như lương hưu, thuế và chính sách kinh tế.

Dẫu vậy, việc LDP tiếp tục nhận được sự ủng hộ lớn cho thấy người dân Nhật Bản đã lựa chọn sự ổn định về chính trị bởi cuộc bầu cử Thượng viện luôn được coi là đợt “bỏ phiếu tín nhiệm” đối với đảng cầm quyền. Trong tình hình hiện nay, khi chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản đều đối diện với những thử thách mới, việc duy trì một chính phủ liên tục là nhu cầu tất yếu. Điều đó đã phần nào giúp liên minh cầm quyền của Thủ tướng S.Abe vượt qua "cuộc kiểm tra toàn diện" lần này.

Bên cạnh đó, chiến thắng của liên minh cầm quyền là minh chứng cho sự ghi nhận của cử tri đối với những thành tựu mà chính quyền Thủ tướng S.Abe đạt được thời gian qua. Kể từ khi nhậm chức người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản vào năm 2012 tới nay, ông S.Abe đã gây dựng được uy tín bền vững thông qua những chính sách cải cách kinh tế, thúc đẩy phúc lợi xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục.

Đặc biệt, thắng lợi lần này sẽ giúp Thủ tướng S.Abe tiếp tục thực hiện những chính sách nâng cao vai trò của Nhật Bản trên trường quốc tế, củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ. Ngoài ra, nhà lãnh đạo xứ Mặt trời mọc hy vọng có thể thông qua các quyết định quan trọng tại Quốc hội nhằm duy trì ổn định chính trị và đẩy mạnh cải cách.

Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ tăng thuế tiêu dùng lên 10% vào tháng 10 năm nay sau hai lần trì hoãn vào năm 2015 và 2017. Đây là một trong những kế hoạch mà liên minh cầm quyền quyết tâm theo đuổi bởi theo Thủ tướng S.Abe, tăng thuế tiêu dùng sẽ bảo đảm nguồn thu ngân sách nhằm ứng phó với tỷ lệ sinh giảm và bảo vệ quỹ an sinh xã hội. Tuy nhiên, chính sách này không được các đảng đối lập ủng hộ vì cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước.

Vì vậy, dù đã một lần nữa vượt qua “cuộc sát hạch” lòng tin của cử tri, thách thức trước mắt của chính quyền Thủ tướng S.Abe là vừa phải thúc đẩy việc thực hiện những mục tiêu đặt ra vừa giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân nhằm xây dựng một đất nước Nhật Bản hùng mạnh, ngày càng có vị thế trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử Thượng viện Nhật Bản: “Cuộc sát hạch” lòng tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.