Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên: Hành trình nhiều trắc trở

Quỳnh Dương| 07/10/2019 07:07

(HNM) - Trái với những gì dư luận thế giới kỳ vọng, cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng vừa được nối lại sau nhiều tháng gián đoạn đã đổ vỡ ngay sau khi bắt đầu.

Diễn ra ngày 5-10 tại trung tâm tổ chức hội nghị ở Lidingo, phía Đông Bắc thủ đô Stockholm của Thụy Điển, cuộc đàm phán này tập trung vào cách thức để thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 6-2018 tại Singapore. Theo thỏa thuận này, hai bên cam kết xây dựng mối quan hệ song phương mới, cùng nỗ lực thiết lập một cơ chế hòa bình lâu dài, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil (giữa) tuyên bố đàm phán hạt nhân với Mỹ đổ vỡ.

Theo dự tính, những tiến bộ đạt được từ vòng đàm phán cấp chuyên viên sẽ mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, ngay sau cuộc gặp với đại diện đặc biệt của Mỹ Stephen Biegun, Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil tuyên bố, cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ đã đổ vỡ, đồng thời cáo buộc Washington khiến cuộc đàm phán “kết thúc trong vô nghĩa”. Theo ông Kim Myong-gil, cuộc đàm phán lần này không đáp ứng được mong đợi của Bình Nhưỡng. Nguyên nhân hoàn toàn do phía Mỹ không chịu từ bỏ lập trường và quan điểm cũ. Đại diện Triều Tiên kêu gọi Mỹ thay đổi lập trường và khẳng định các cuộc thương lượng sẽ không được nối lại ít nhất cho đến trước cuối năm nay.

Trái ngược với phản ứng của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ lại tuyên bố, nước này đã có "các cuộc thảo luận tốt đẹp" với Triều Tiên tại cuộc đàm phán cấp chuyên viên ở Thụy Điển.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng, những bình luận sớm từ phái đoàn Triều Tiên không phản ánh hết nội dung hoặc tinh thần của cuộc thảo luận kéo dài 8 giờ rưỡi. Mỹ đã đưa ra những ý tưởng sáng tạo và có những cuộc thảo luận tốt với đối tác Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ đã chấp nhận lời mời của Thụy Điển về việc tiếp tục đàm phán với Triều Tiên trong 2 tuần nữa.

Như vậy, Mỹ - Triều Tiên vẫn chưa thể vượt qua “di sản” của chiến tranh và thù địch. Theo các nhà nghiên cứu, việc hai bên không đạt được thỏa thuận hôm 5-10 và các tuyên bố mâu thuẫn sau đó là không quá ngạc nhiên. Cuộc đàm phán diễn ra trong một ngày khó có thể mang đến nhiều tiến triển tích cực, khi các bên đang theo đuổi những mục tiêu khác nhau. Hiện tại, Bình Nhưỡng được cho là muốn kéo dài các cuộc đàm phán cấp chuyên viên để đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump vào một hội nghị thượng đỉnh khác. Ở đó, Triều Tiên tin chắc cuộc đàm phán sẽ diễn ra theo cách họ muốn. Nói một cách cụ thể hơn, sự đổ vỡ của cuộc gặp ngày 5-10 là động thái giúp Triều Tiên kéo dài giai đoạn đàm phán cấp chuyên viên, qua đó tạo áp lực về mặt thời gian để Washington “xuống thang” trong thời gian tới. Trong bối cảnh năm 2020 là năm bầu cử tổng thống Mỹ cũng như bầu cử nghị viện Hàn Quốc, vì vậy, nếu có một giải pháp "tích cực" cho phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thì sẽ là thắng lợi về uy tín cho nhà cầm quyền Mỹ và Hàn Quốc.

Có thể nói, thiết lập niềm tin chiến lược giữa Mỹ và Triều Tiên là điều khó khăn, bất chấp những bước đi táo bạo của lãnh đạo hai nước trong hơn một năm qua. Nối lại đàm phán là một chuyện, còn đàm phán có tiến triển và đạt được kết quả tích cực hay không lại là một chuyện khác. Thực tế cho thấy, nhiều cách tiếp cận, nhiều cơ chế đàm phán từ diện hẹp cho tới đa phương cuối cùng đều đã lâm vào bế tắc. Nếu hai bên tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn và theo đuổi toan tính lợi ích riêng thì con đường dẫn đến hòa bình cho bán đảo Triều Tiên sẽ còn nhiều trắc trở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên: Hành trình nhiều trắc trở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.