Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ: Khác biệt nới rộng

Minh Hiếu| 08/10/2019 07:02

(HNM) - Sáng kiến an ninh chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh truyền thống Mỹ về việc thiết lập một vùng an toàn mới tại khu vực miền Bắc Syria đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi Ankara triển khai hàng loạt binh sĩ và các thiết bị quân sự tới vùng Akcakale sát biên giới với Syria nhằm chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự cả trên không và trên bộ.

Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường triển khai quân tới biên giới với Syria khi triển vọng thiết lập vùng an toàn ngày càng xa vời.

Hồi tháng 8 vừa qua, hai quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đạt được một thỏa thuận về việc thành lập vùng an toàn tại miền Bắc Syria và thiết lập hành lang hòa bình nhằm tạo điều kiện cho hơn 2 triệu người tị nạn trở về quê hương sau hơn 8 năm xung đột triền miên.

Sáng kiến này cũng nhằm giải tỏa những lo ngại an ninh của Ankara về lực lượng người Kurd hiện kiểm soát vùng lãnh thổ này với việc bảo đảm một khu vực biên giới dài 480km không có sự hiện diện của các tay súng người Kurd.

Đây chính là một trong những yếu tố gây căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây. Trong khi Washington ủng hộ lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - đồng minh chính của xứ Cờ hoa trong cuộc chiến chống lại các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại khu vực - thì Ankara lại coi đây là một nhánh khủng bố của đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần tỏ ra thất vọng bởi Mỹ chưa đưa ra biện pháp đủ mạnh để đẩy lùi các tay súng người Kurd tại Syria ra khỏi vùng biên giới với nước này mà vẫn luôn nhấn mạnh việc bảo vệ và hỗ trợ các đồng minh người Kurd tại khu vực.

Trước sự chậm trễ của Washington, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này đã sẵn sàng cho một chiến dịch quân sự ở khu vực phía Đông sông Euphrates tại Syria khi triển vọng hiện thực hóa thỏa thuận với Mỹ về việc thiết lập vùng an toàn dường như trở thành “không tưởng”.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nước này dường như đã hết kiên nhẫn và không thể tiếp tục chờ đợi Mỹ để can thiệp vào Syria. Giới quan sát cho rằng, sự sốt ruột của Ankara là hoàn toàn dễ hiểu bởi chiến dịch truy quét các nhóm nổi dậy người Kurd tại nước này đã kéo dài suốt 4 thập kỷ. Việc thiết lập vùng an toàn sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng lợi thế cả trên thực địa lẫn trong các cuộc đàm phán về triển vọng hòa bình Syria với các bên liên quan.

Ngoài ra, đây cũng là cơ sở giúp mở rộng thêm các khu an toàn tới thành phố Raqqa và vùng Deir ez-Zor để tăng số lượng người tị nạn hồi hương. Trong một động thái được cho là bước đi mạnh mẽ đầu tiên trước sự trì hoãn của quân đội và quan chức Mỹ, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, 9 xe tải chở các xe bọc thép và một xe buýt chở quân đã được điều động tới vùng biên giới phía Đông Nam nước này nhằm chi viện cho các đơn vị quân sự đóng ở biên giới với quốc gia láng giềng. Số lượng lớn máy bay trực thăng cũng liên tục hoạt động trong không phận khu vực biên giới.

Ngay sau động thái điều quân và những tuyên bố thể hiện sự thất vọng của chính quyền Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm thảo luận về việc thiết lập vùng an toàn tại miền Bắc Syria.

Thông cáo báo chí của Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải thiết lập vùng an toàn để loại bỏ các mối đe dọa khủng bố từ đảng PKK và lực lượng YPG, đồng thời tạo cơ sở để người tị nạn Syria trở về quê hương.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chấp nhận lời mời của Tổng thống D.Trump tới thăm Mỹ vào tháng tới. Song, những gì đang diễn ra cho thấy những khác biệt giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nới rộng. Quan trọng là, điều này sẽ khiến xung đột tại Syria càng thêm rối ren khi những triển vọng hòa bình cho cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 9 tại quốc gia này mới chỉ nhen nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ: Khác biệt nới rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.