Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ - Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại một phần: Phá vỡ bế tắc

Hoàng Linh| 13/10/2019 07:29

(HNM) - Trái với những dự báo trước khi phái đoàn Mỹ và Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán, ngày 11-10, sau cuộc đối thoại kéo dài 2 ngày, đại diện hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt nhất trí về thỏa thuận giai đoạn đầu nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại song phương.

Tổng thống Mỹ D.Trump (phải) trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những đánh giá tích cực về kết quả cuộc gặp gỡ. Tương tự, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc cũng hết lời ca ngợi những tiến bộ đã đạt được. Theo thỏa thuận của hai bên, Trung Quốc nhất trí sẽ nhượng bộ Mỹ đối với các điều khoản về nông nghiệp và đồng ý mua khoảng 40-50 tỷ USD nông sản từ nước này. Đổi lại, Washington sẽ nới lỏng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hai bên cũng nhất trí về các điều khoản không xác định điều chỉnh sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Bắc Kinh và cấm sử dụng tiền tệ làm vũ khí thương mại. Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo, chính quyền của Tổng thống D.Trump sẽ không tăng thuế từ 25% lên 30% đối với khoảng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, kế hoạch từng được lên lịch thực hiện kể từ ngày 15-10. 

Dù mới chỉ là bước đầu, nhưng với những cam kết thực tế, thỏa thuận lần này là tiền đề thuận lợi để Washington và Bắc Kinh tiến tới một văn kiện toàn diện, qua đó chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài suốt 15 tháng qua với những đòn áp thuế trả đũa lẫn nhau. Thực tế này gây tổn hại lớn không chỉ cho hai nền kinh tế hàng đầu thế giới mà còn khiến thị trường toàn cầu chao đảo.

Mặc dù Tổng thống D.Trump cho rằng việc chuyển hóa kết quả đàm phán lần này thành văn bản sẽ mất ít nhất 5 tuần nhưng người đứng đầu nước Mỹ bày tỏ tin tưởng có thể ký thỏa thuận chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai bên cùng tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thủ đô Santiago của Chile vào ngày 16-11.

Ngay khi những thông tin tích cực về vòng đàm phán lan đi, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có những phản ứng tích cực. Theo CNBC, trong ngày 11-10, chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones đã tăng 1,8%, S&P 500 tăng 1,7% - mức cao nhất trong hai tháng qua, NASDAQ tăng 1,8%. Các thị trường chứng khoán tại châu Á cũng bừng sắc xanh. Trong đó, chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 1,1%, Shanghai Composite Index của Trung Quốc thêm 0,9% giá trị, Kospi của Hàn Quốc thêm 0,8%...

Cho dù niềm tin đang tăng cao, song không ít ý kiến chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng trước khả năng hai bên sẽ sớm hóa giải hoàn toàn những khác biệt. Trên thực tế, hai nước từng đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán trước đây, thậm chí về cùng những vấn đề như vừa đồng thuận, nhưng sau đó căng thẳng lại tiếp diễn. Bên cạnh đó, vẫn còn những kẽ hở trong thỏa thuận vừa đạt được mà hai phía có khả năng tận dụng bất cứ lúc nào để đảo ngược kết quả. Điển hình là hàng rào thuế quan được Washington dự kiến tiến hành vào tháng 12-2019 hay việc gia hạn “giấy phép” để Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc có thể tiếp tục mua trang thiết bị từ Mỹ sẽ hết hạn vào ngày 18-11.

Ngoài ra, những thiệt hại mà doanh nghiệp hai bên, đặc biệt là nông dân Mỹ và các công ty công nghệ Trung Quốc, phải gánh chịu vẫn chưa có phương án “bù đắp” cụ thể. Đây cũng có thể là những nội dung sẽ được đề cập trong giai đoạn đàm phán tiếp theo mà Tổng thống D.Trump khẳng định “sẽ bắt đầu ngay lập tức”. 

Song, với không ít bất hòa liên quan đến thương mại thời gian qua, kết quả từ cuộc đàm phán lần này là thực sự tích cực, không chỉ thể hiện thiện chí giữa hai bên mà còn giúp phá vỡ bế tắc để mở ra triển vọng kết thúc cuộc tranh cãi đã gây tổn hại nặng nề cho cả hai phía.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ - Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại một phần: Phá vỡ bế tắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.