Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điền kinh Việt Nam với nhiệm vụ giữ vững ngôi vị số 1 Đông Nam Á: Nhiều thử thách

Mai Hoa| 06/07/2019 09:30

(HNM) - "Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đều đầu tư rất mạnh cho điền kinh - môn thể thao nữ hoàng, điền kinh Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều thử thách ở SEA Games 30-2019, nếu muốn tái lập thành tích Nhất toàn đoàn, giành 17 Huy chương vàng như kỳ SEA Games 29-2017". Nội dung này được Tiến sĩ Dương Đức Thủy, chuyên gia điền kinh của thể thao Việt Nam nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Thầy trò đội tuyển điền kinh Việt Nam tập huấn tại Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Thị Oanh

- Thưa ông, việc các tuyển thủ điền kinh quốc gia giành 1 Huy chương vàng Giải Vô địch điền kinh châu Á (tháng 4, tại Qatar), 3 Huy chương vàng Giải Điền kinh Grand Prix châu Á (tháng 6, tại Trung Quốc, thi đấu 2 chặng) có thể coi là tín hiệu vui, giúp người làm nghề tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ trọng yếu tại SEA Games 30, diễn ra từ ngày 30-11 đến 10-12 tại Philippines?

- Việc Quách Thị Lan giành được Huy chương vàng Giải Vô địch điền kinh châu Á năm 2019, nội dung chạy 400m rào là kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng không bất ngờ. Bởi chỉ số thành tích Lan đạt được tại giải (56 giây 10) không phải là kết quả tốt nhất của vận động viên này. Tại ASIAD 18-2018, Lan từng về đích với 55 giây 30 và ở Giải Điền kinh Grand Prix châu Á, riêng Lan đem về 2 Huy chương vàng nội dung chạy 400m ở 2 chặng đua liên tiếp. Huy chương vàng còn lại do công của Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung nhảy xa nữ.

Xét về số lượng huy chương, tín hiệu vui là vẫn duy trì được vị thế. Song, xét về chất lượng huy chương, tôi thấy thực sự lo lắng về việc hoàn thành chỉ tiêu tại SEA Games 30 tới đây, bởi kỹ thuật qua rào, kỹ thuật chạy của Lan vẫn chưa hoàn thiện, còn Thảo vẫn nhiều lần bị nhảy lỗi - điều không đáng xảy ra đối với các vận động viên chuyên nghiệp, thi đấu lâu năm...

- SEA Games 29-2017, điền kinh Việt Nam giành vị trí Nhất toàn đoàn, với 17 Huy chương vàng. Với SEA Games 30-2019, chỉ tiêu có thay đổi gì không?

- Để duy trì vị trí Nhất toàn đoàn, thông thường phải phấn đấu giành Huy chương vàng ở 1/3 tổng số nội dung thi đấu. Năm nay, chủ nhà SEA Games 30 - Philippines tổ chức 48 nội dung thi đấu của điền kinh. Với thực tế hiện nay, tôi đánh giá việc giành được từ 13 đến 15 Huy chương vàng đã là rất cố gắng. Bởi, thứ nhất, một số gương mặt trọng điểm đã lớn tuổi, khó bước qua “ngưỡng chỉ số thành tích” của bản thân như Nguyễn Văn Lai, Bùi Thị Thu Thảo, Vũ Thị Mến...

Thứ hai, các quốc gia trong khu vực có sự đầu tư rất tốt, như: Thái Lan đang muốn lấy lại vị trí số 1 và họ có tiềm lực để cạnh tranh; chủ nhà Philippines có những nhân tố mới ở các nội dung vốn là thế mạnh của điền kinh Việt Nam như chạy 100m, 200m với Lê Tú Chinh... Tôi biết Philippines có ít nhất 2 vận động viên chạy cự ly 100m chỉ hết 11 giây 4, trong khi đó, Lê Tú Chinh thành tích không ổn định, có lúc chạy đạt 11 giây 4 (Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018), có lúc mất đến 11 giây 76 (tại ASIAD 18)...

Theo đánh giá của tôi, Philippines có khả năng tranh chấp 8-9 Huy chương vàng, ở những nội dung tranh chấp trực tiếp với Việt Nam và Thái Lan. Trong khi đó, lực lượng điền kinh Việt Nam hay bị chấn thương, thi đấu không nhiều, thực sự là rất khó khăn để tái lập thành tích.

- Vậy theo ông, điền kinh Việt Nam cần tập trung vào những nội dung nào?

- Ngoài những nội dung ở ngưỡng có thể tranh chấp Huy chương vàng như đã kể trên, điền kinh Việt Nam vẫn phải tập trung vào các nội dung thế mạnh như chạy tiếp sức 4x100m, 4x400m nam - nữ, đi bộ 20km nam, 10km nữ, các cự ly chạy 800m, 1.500m, 5.000m và cả 3.000m vượt chướng ngại vật nam - nữ... Trong đó, có thể trông đợi vào màn trình diễn ấn tượng của Nguyễn Thị Oanh, Khuất Phương Anh, Vũ Thị Ly, Đỗ Quốc Luật...

- Từ nay đến cuối năm, định hướng đầu tư cho các vận động viên đội tuyển điền kinh quốc gia như thế nào, thưa ông?

- Đội tuyển điền kinh không có nhiều giải quốc tế từ nay đến cuối năm, chỉ tập trung thi đấu Giải Điền kinh thành phố Hồ Chí Minh mở rộng vào tháng 7, Giải Điền kinh trẻ vô địch quốc gia vào tháng 8, Giải Điền kinh vô địch quốc gia vào tháng 9. Theo tôi, từ năm tới, cần cân nhắc “đẩy” thời gian tổ chức các giải quốc gia lên sớm hơn để có nhiều thời gian tập trung đội tuyển chuẩn bị cho Giải vô địch thế giới (cuối tháng 9, đầu tháng 10) và nhiều giải đấu trọng yếu khác.

Việc đầu tư cho điền kinh cũng khó có đột biến, bởi theo tôi được biết, “gói kinh phí ngân sách” cho gần 50 môn thể thao của Tổng cục Thể dục - Thể thao vốn đã rất hạn hẹp, nhưng đã phải dành một phần lớn cho môn thể thao vua - bóng đá. Ngay như điền kinh - được coi là môn thể thao Olympic cơ bản thuộc nhóm 1 cũng chỉ được đầu tư khoảng 140.000 USD/năm. Nhưng chúng tôi còn có may mắn là không bị giải tán đội trẻ, vì thiếu kinh phí như hàng loạt đội khác.

Những người làm nghề như chúng tôi ước ao được đầu tư một đường chạy, có mái che để giúp cho vận động viên tập thả lỏng, có thể tập luyện khi trời mưa. Tuy nhiên, việc này hơn 10 năm nay vẫn chưa được đáp ứng. Kỳ vọng lớn nhất lúc này vẫn là tinh thần khổ luyện, quyết tâm của các vận động viên.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điền kinh Việt Nam với nhiệm vụ giữ vững ngôi vị số 1 Đông Nam Á: Nhiều thử thách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.