Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lần đầu thi môn lịch sử vào lớp 10: Thí sinh hồi hộp vào phòng thi

Nhóm PV| 03/06/2019 06:52

(HNMO) - Sáng nay (3-6), các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường THPT không chuyên tại Hà Nội sẽ hoàn thành nốt hai môn thi còn lại, trong đó có môn lịch sử.


Từ 6h30, tuyến phố Hồng Mai bắt đầu đông lên bởi lượng thí sinh tập trung đến điểm thi Trường THPT Đoàn Kết  - Hai Bà Trưng.

Ghi nhận của HNMO ở nhiều điểm thi tại các quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Long Biên…, phụ huynh tiếp tục đưa các “sĩ tử” đến điểm thi từ sớm để tránh tắc đường. Một số phụ huynh cho biết, dù hôm nay là ngày đi làm đầu tuần nhưng họ xin nghỉ phép để đưa đón con cho yên tâm.

Kết thúc ngày thi thứ nhất (2-6), với kết quả làm bài khác nhau ở hai môn ngữ văn và toán, có thí sinh vui hơn, thêm tự tin nhưng cũng có thí sinh hy vọng sẽ "gỡ" thêm điểm ở hai môn thi cuối.

Chia sẻ về cách học môn thi thứ tư, thí sinh Hoàng Nhật Quân, đăng ký dự thi nguyện vọng 1 vào Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) cho rằng, học môn lịch sử không giống với các môn khác. Học môn này phải có sự liên kết giữa các sự kiện, không học rời rạc kiến thức từng vùng, miền như môn địa lý hay học từng chức năng các bộ phận như môn sinh học.

“Sử là một môn học thuộc nên kể cả khi đã 'mất gốc' vẫn có thể dễ dàng khôi phục”, Quân nhận xét.

Thí sinh này cũng chia sẻ, em là người đặc biệt yêu thích môn vật lý và có sở trường ở một số môn khoa học tự nhiên nên học kém ở môn lịch sử. Tuy nhiên, sau quá trình ôn tập từ tháng 3 đến nay, em đã tự tin hơn vào kiến thức lịch sử của mình.

Không hề cảm thấy áp lực hay lo lắng, sợ hãi, Nhật Quân cho rằng, các thí sinh dự thi vào lớp 10 năm nay được thi môn lịch sử là sự may mắn của năm đầu tiên áp dụng bốn môn thi.


Thanh niên tình nguyện tại các điểm thi tặng nước và động viên các thí sinh thi tốt.


Thí sinh Chu Hoàng An, đăng ký dự thi nguyện vọng 1 vào Trường THPT Chu Văn An (quận Ba Đình) cho biết, những năm học tại Trường THCS Thăng Long, An chỉ tập trung học toán, văn, ngoại ngữ mà không có hứng thú với các môn khoa học xã hội khác.

“Bố mẹ em cũng đã nhắc nhiều về việc phải học đều để khi Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn, công bố môn thi thứ tư thì không bị động. Tuy nhiên, em đã đoán môn thi thứ tư là giáo dục công dân, chứ không phải lịch sử. Khi biết môn thi là lịch sử, em đã "choáng" vô cùng”, Hoàng An nhớ lại.

Cũng từ thời điểm đó, An cùng cả lớp bắt đầu tập trung ôn thi cao độ. Ngày nào em cũng thức khuya để học bài.

“Học lịch sử đòi hỏi phải ghi nhớ quá nhiều chi tiết và số liệu nên nhiều lúc em bị rơi vào tình trạng học trước, quên sau. Một tháng trước khi thi, sau khi học chi tiết một lượt, em mới bắt đầu học theo sơ đồ tư duy. Mỗi bài sẽ ghi lại những chi tiết cần phải nhớ. Hy vọng, đề thi hôm nay sẽ ra 'trúng tủ' phần em đã ghi nhớ tốt nhất là giai đoạn dân tộc ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong lịch sử Việt Nam, và phần lịch sử thế giới sẽ rơi vào khu vực Mỹ Latinh”, An hy vọng.

Bữa sáng được phụ huynh đưa vội cho con trước khi vào phòng thi.


Thí sinh Trần Thảo My, đăng ký dự thi nguyện vọng 1 vào Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng)  cho biết, kể từ tháng 3 đến nay, ở trên lớp, My học rất kỹ và cẩn thận; về nhà em vào mạng luyện các bài thi trắc nghiệm để quen với mẫu đề.

“Em không học thêm hay luyện riêng ở môn lịch sử mà sau khi học hết kiến thức cô dạy, em làm bài thực hành nhiều lần để không bị quên kiến thức và thành thạo kỹ năng làm bài”, Trần Thảo My chia sẻ kinh nghiệm. Tuy vậy, do lượng kiến thức rất lớn, My vẫn chưa cảm thấy thực sự tự tin.

Thí sinh Mai Khoa Bách.


Cùng đăng ký dự thi vào Trường THPT Thăng Long, thí sinh Mai Khoa Bách chia sẻ kinh nghiệm tự ôn và học đầy đủ bài trên lớp, sau đó làm các bài trắc nghiệm trên mạng. Bách chỉ tự tin đã ghi nhớ tốt khoảng 80% ở môn thi này.

Nhà cách trường rất gần nhưng từ 6h15, chị Trịnh Quỳnh Mai (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) và con gái đã có mặt ở cổng Trường THPT Thăng Long. Giống như ngày thi đầu, sáng nay hai mẹ con chị dậy từ 5h, ăn sáng rồi chở nhau đến điểm thi. Để tránh những thiếu sót không đáng có, chị Mai tiếp tục dặn con kiểm tra đầy đủ hồ sơ, bút…. "Hôm qua, các con đã đi được nửa chặng đường và sáng nay các con sẽ hoàn thành nửa chặng còn lại với môn thi ngoại ngữ và lịch sử", chị Mai nói.

Chị Trịnh Quỳnh Mai.


Chị Mai cho biết, con chị làm bài thi môn văn rất tốt, môn toán có phần kém hơn, dự đoán được khoảng 8 điểm. Sáng nay, con chị bước vào hai môn thi cuối, chị rất lo lắng, vì đây là lần đầu tiên môn lịch sử được đưa vào nội dung thi lớp 10. Với môn toán và ngữ văn, do đã được tổ chức thi nhiều lần nên học sinh và phụ huynh biết được nội dung cũng như kết cấu của đề thi, từ đó các học sinh biết cách ôn tập và làm bài hiệu quả hơn.

Với môn lịch sử, học sinh sẽ có nhiều bỡ ngỡ, chưa kể môn này đòi hòi cần nhớ nhiều kiến thức. Tuy nhiên, chị Mai cho biết, gia đình chị không mời cô giáo về ôn cho con, mà hỗ trợ con bằng cách trong nhóm của lớp, phụ huynh, cô giáo thường chia sẻ những kinh nghiệm hoặc mẹo làm bài lịch sử, chị đọc và gửi con tham khảo; đồng thời, khuyến khích con làm các bài trắc nghiệm lịch sử trên mạng.

Tại điểm thi Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), các thí sinh đến đúng giờ, nhiều em còn thong thả đứng lại nghe bố mẹ dặn dò.

Thí sinh Nguyễn Hoàng Duy.


Thí sinh Nguyễn Hoàng Duy cho biết, lịch sử là môn thi mới, lại khó đối với em, nhưng từ khi được biết là một trong bốn môn thi bắt buộc, Duy đã học rất nhiều trong sách và làm bài tập, nên em yên tâm phần nào, vấn đề còn lại là chưa biết đề thi khó đến đâu.

Không còn lo lắng, thí sinh Nguyễn Phương Anh (học sinh Trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy) bước vào buổi thi cuối với sự tự tin vì đã ôn kỹ các đề thi mà các thầy, cô giao cho. Phương Anh cho biết, em chỉ hơi lo phần lịch sử thế giới.

Thí sinh Nguyễn Phương Anh tự tin bước vào môn thi sử.


Sau khi đưa con đến điểm thi tại Trường THPT Cầu Giấy, chị Nguyễn Thu Huyền (phường Nghĩa Tân) cho biết, mặc dù lịch sử là môn thi mới nhưng chị không lo lắng nhiều, vì từ khi có phương án thi môn sử, các thầy cô giáo ở trường đã cho các con ôn luyện kỹ. Ngoài ra, kiến thức thi cũng nằm trong chương trình phổ thông nên nếu các thí sinh nắm vững kiến thức đã học thì sẽ làm được bài. 

Phụ huynh đưa thí sinh tới dự thi tại Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng).


Sáng nay, bắt đầu từ 8h, các thí sinh làm bài thi môn ngoại ngữ với hai phần là tự luận và trắc nghiệm khách quan tách rời nhau. Phần thi trắc nghiệm khách quan được trình bày trên phiếu trả lời trắc nghiệm và được chấm bằng phần mềm máy tính.

Kết thúc môn thi vào lúc 9h, các thí sinh được nghỉ 30 phút trước khi vào làm bài thi lịch sử. Thời lượng cho môn lịch sử cũng là 60 phút (9h30-10h30).

Môn lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên phiếu trả lời trắc nghiệm và được chấm bằng phần mềm máy tính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu thi môn lịch sử vào lớp 10: Thí sinh hồi hộp vào phòng thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.