Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm công thức thành công cho truyện tranh và hoạt hình Việt

Thi Thi| 03/08/2014 05:52

(HNM) - Ngày mai 4-8, tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra hội thảo về ngành vẽ truyện tranh và làm phim hoạt hình với mục tiêu tìm kiếm, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực sáng tạo còn mới mẻ và nhiều tiềm năng này ở nước ta.

Một thị trường bị bỏ trống

NSND Phương Hoa, tác giả bộ phim hoạt hình cắt giấy nổi tiếng "Xe đạp" (năm 2001) từng nói: Hoạt hình lâu nay vốn tủi thân vì chìm trong sự quên lãng. Ngay cả đến tư nhân, họ đầu tư vào tất cả các lĩnh vực, nhưng riêng hoạt hình thì vẫn không. Vì vậy, khi hay tin có một đơn vị mang tên Viện Truyện tranh và phim hoạt hình ra đời, nghệ sĩ Phương Hoa bày tỏ sự vui mừng và đặc biệt là niềm hy vọng cho những đổi thay của hoạt hình Việt trong thời gian không xa.

Một cảnh trong phim “Anh và em” do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất năm 2013. Ảnh: NLĐ


Viện Truyện tranh và phim hoạt hình (trực thuộc Hiệp hội Thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật Việt Nam) ra đời nhằm chuyên nghiên cứu, ứng dụng đào tạo nguồn nhân lực thúc đẩy công nghiệp truyện tranh, phim hoạt hình, giải trí kỹ thuật số. Sự ra đời của đơn vị này chắc chắn phải dựa trên những đánh giá về tiềm năng của ngành nghề này ở nước ta. Thực tế, tư duy đổi mới trong làm phim hoạt hình Việt Nam đã nhen nhóm nhiều năm nay. Vài năm trở lại đây, xu hướng cách tân đặc biệt rõ nét hơn khi các họa sĩ trẻ và nhóm nghệ sĩ trẻ vào cuộc cho ra đời những sản phẩm không chỉ sáng tạo trong cách kể mà còn chú trọng cả ứng dụng công nghệ. Đầu tháng 7-2014 vừa rồi, tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên tại Sain Malo (Pháp), hoạt hình Việt đã góp mặt với các phim "Bò Vàng", "Có một khu rừng", "Đôi cánh"…

Còn nói riêng về truyện tranh, nhiều nước trên thế giới cũng đã sải những bước dài, đưa truyện tranh thành một ngành thu lợi lớn. Ở nước ta không phải không có những tìm tòi, nỗ lực… ở một vài họa sĩ, nhóm họa sĩ, hay các đơn vị xuất bản song tất cả đều chưa đủ tạo ra những thay đổi lớn cho hoạt hình Việt. Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực trẻ về hội họa và mỹ thuật công nghiệp Việt Nam có nhiều nhưng chưa xác định được rõ tiềm năng, thử thách và đòi hỏi của ngành nghề.

Đặc biệt, định nghĩa truyện tranh của chúng ta lâu nay là "những truyện có tranh minh họa cho thiếu nhi" thì rõ ràng cũng đã cũ.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Viện trưởng Viện Truyện tranh và hoạt hình Việt Nam, Giám đốc Công ty Phan Thị chia sẻ: Truyện tranh Mỹ đã phát triển với kỷ nguyên vàng vào những năm 1930-1935. Nhưng đến sau 1954, Nhật Bản khôi phục lại kinh tế bắt đầu phát triển truyện tranh một cách mạnh mẽ, và đến nay sau vài thập kỷ, truyện tranh Nhật Bản vươn ra khắp nơi trên thế giới, tấn công lại cả thị trường Mỹ. Hay như Trung Quốc, họ đầu tư rất mạnh cho ngành sở hữu trí tuệ. Họ bỏ công sức, tiền của sáng tạo ra hai nhân vật hoạt hình mới là con Cừu vui vẻ và con Sói Xám với tham vọng từng bước thay thế hình ảnh chuột Micky. Vậy nhưng, chúng ta đều chưa có những nghiên cứu sâu về những ví dụ này để làm bài học.

Tìm kiếm một công thức thành công

Viện Truyện tranh và phim hoạt hình đã đặt mục tiêu đầu tiên là phải viết được các công thức thành công, tìm được định nghĩa cho truyện tranh, hoạt hình của Việt Nam, từ đó tiến tới đào tạo nhân lực. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh cũng cho rằng: Chúng ta chưa giàu có, nhưng ngân sách cho hoạt hình, truyện tranh là vẫn có. Vấn đề là cách làm. Với chính sách mở của Nhà nước, các đơn vị có thể xây dựng những dự án phù hợp để Nhà nước mua. Nếu Nhà nước không đầu tư thì chúng ta tìm đơn vị, tìm chủ đầu tư khác, vì thực tế là nhiều NXB cũng rất quan tâm đến những lĩnh vực này.

Nhiều ý kiến thống nhất rằng người trẻ của mình vẽ giỏi được nước ngoài thuê nhiều, nhưng thực tế chỉ là thợ vì các phần mềm thuộc về sáng tạo là nước ngoài họ làm hết. NSND Phương Hoa cho biết, khi sang Hồng Kông, bà vào thăm một đơn vị từng thực hiện nhiều công đoạn cho các phim 3D, dạng "bom tấn" của Hollywood, thế nhưng đơn vị này cũng không hề có tên trên générique (băng chạy cuối phim về tên tuổi các cá nhân, đơn vị đóng góp cho bộ phim). Vì lẽ, các nền công nghiệp hoạt hình hết sức coi trọng khâu sáng tạo, các phần khác đơn thuần là đối tác làm thuê.

Còn nhớ, chừng vài năm trước chúng ta đã có ý định chuyển thể "Dế mèn phiêu lưu ký" thành phim hoạt hình nhưng không thành công vì nhân lực ta chưa đáp ứng được yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài. Một yếu tố khác là họa sĩ của ta sáng tạo theo cảm hứng là chính. Trong khi sáng tạo hoạt hình là một trong những ngành công nghiệp văn hóa. Vì vậy nguồn nhân lực không chỉ được đào tạo về nghề mà còn phải có kỹ năng hành xử và làm việc trong môi trường công nghiệp.

Theo Viện Truyện tranh và phim hoạt hình thì cần ít nhất 3 năm cho việc nghiên cứu, tìm kiếm công thức thành công, song song với đào tạo nguồn nhân lực. Kể nếu làm được chừng ấy việc, thì từng ấy năm vẫn còn là sớm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm công thức thành công cho truyện tranh và hoạt hình Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.