Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy giá trị di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Nguyễn Thanh| 28/04/2019 07:28

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục bảo tồn, phát huy bền vững giá trị, xứng tầm với bề dày lịch sử, văn hóa của di sản đặc biệt này.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ và bảo tồn nhằm phát huy giá trị bền vững. Ảnh: Thái Hiền


Còn nhiều việc phải làm

Là một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được hình thành từ thời nhà Lý, hàm chứa những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đồ sộ, không thể đong đếm. Suốt hơn một nghìn năm tồn tại và phát triển, di tích đã trải qua không ít lần trùng tu, tu bổ để bảo tồn, phát huy giá trị. Gần đây nhất là những năm 90 của thế kỷ XX với những bước tu bổ, tôn tạo cơ bản tại Vườn Giám, nhà Thái Học... Tuy nhiên, từ đó đến nay, di tích chưa được quy hoạch thêm để khơi dậy tiềm năng, khẳng định giá trị.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: Một trong những vấn đề tồn tại lâu năm ở di tích là điểm trông giữ xe, nhất là vào dịp lễ, Tết, bãi xe thường quá tải, giao thông lộn xộn. Cũng bởi vấn đề giao thông, nhiều năm qua, không gian Di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám chưa được kết nối liền mạch do khu Nội tự, Vườn Giám bị chia cắt với Hồ Văn bằng con đường Quốc Tử Giám tấp nập người, xe.

Bà Nguyễn Xuân Nhị (58 Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình) bày tỏ: "Tôi rất muốn đưa con cháu, bạn bè nơi xa tới thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhưng ở đây không có điểm trông xe ô tô. Việc di chuyển từ khu Nội tự sang Hồ Văn để tham quan, trải nghiệm cũng rất bất tiện, thậm chí nguy hiểm".

Cũng tại không gian Hồ Văn, dự án phục dựng Phương Đình trên đảo (gò) Kim Châu giữa hồ, đang được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định, phê duyệt, báo cáo thành phố xin phép triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến, đây sẽ là điểm sáng để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian cùng nhiều hoạt động tương tác, trải nghiệm cho du khách được đắm mình trong không gian truyền thống xưa. Tuy nhiên, việc phục dựng Phương Đình cũng có những vướng mắc do khu vực này tồn tại một điểm thờ tự người dân lập ra cách đây nhiều năm về trước.

Nhiệm vụ phát huy giá trị di sản phi vật thể trong đời sống đương đại cũng đặc biệt khó do thiếu thông tin, tư liệu. Ví dụ như, việc tái hiện không gian trường giám, được xây dựng từ thời Lý, kéo dài qua nhiều triều đại với giai đoạn phát triển rực rỡ là thời nhà Lê với hơn 300 nho sinh sinh hoạt, học tập nhưng nguồn khảo cứu rất mong manh, mờ nhạt.

Sớm lập quy hoạch tổng thể

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, khơi dậy tiềm năng, phát huy giá trị di tích, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Quyết định 430/QĐ-TTg ngày 19-4-2019). Trong đó, nêu rõ phạm vi lập quy hoạch trên cơ sở khu vực bảo vệ 1 của di tích, gồm: Khu Nội tự, Vườn Giám và Hồ Văn với tổng diện tích hơn 5,4ha.

Các nhiệm vụ quy hoạch chủ yếu, gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; xác định đặc trưng, đánh giá các giá trị tiêu biểu của di tích; nội dung và định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; đề xuất giải pháp phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và hệ thống bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Văn Huy, quy hoạch là cơ sở pháp lý để Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám triển khai các công việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích bền vững, hiệu quả hơn.

Cụ thể, các nhiệm vụ trong quy hoạch sẽ xác định rõ những gì Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang bảo tồn và cần tiếp tục được bảo tồn như thế nào. Ngoài ra, việc xác định ranh giới còn là cơ sở để di tích phát triển ổn định, lâu dài, tránh xảy ra tình trạng lấn chiếm hay xâm hại di tích.

Ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm, Trung tâm đang gấp rút hoàn thiện các bước để báo cáo UBND thành phố chọn đối tác lập quy hoạch, sau đó sẽ phối hợp với đơn vị lập quy hoạch khảo sát, đánh giá thực tế; tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân liên quan, cộng đồng dân cư... để đưa ra phương án tối ưu, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

Cùng với đó, Trung tâm dự tính xin phép thành phố cho lập chốt đèn giao thông tại ngã ba đường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giãn cách thời gian để giúp du khách di chuyển qua 2 điểm di sản thuận lợi, an toàn. Ngoài ra, việc tạo điểm nhấn nhận diện ở một đoạn đường để hướng dẫn du khách sang đường tập trung, không ảnh hưởng tới giao thông đã được tính đến.

Thực tế cho thấy, để kết nối Hồ Văn với khu Nội tự còn cần có thêm nhiều hoạt động tương tác hấp dẫn hằng ngày, chứ không chỉ trong các ngày Tết như hiện nay. Vì vậy, Trung tâm đang hướng đến giải pháp xây dựng Bảo tàng giáo dục kết hợp với các khu trải nghiệm di sản; tăng cường kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn cũng như áp dụng công nghệ trong việc kể câu chuyện di sản, như triển khai tour tham quan thực tế ảo. Du khách tham gia tour, sẽ sử dụng kính 3D, đi đến khu vực nào là thấy được hình ảnh khi xưa của khu vực đó... Đây sẽ là điểm bổ trợ đắt giá cho khu Nội tự khi phục dựng, tái hiện sinh động các câu chuyện về lều chõng, trường thi, lớp học, hoạt động khoa cử…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.