Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái hiện không khí Tết Đoan Ngọ trong hoàng cung thời Lê Trung Hưng

Tin, ảnh: Hoàng Lân| 24/05/2019 12:15

(HNMO) - Sáng 24-5, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội tổ chức các hoạt động dịp Tết Đoan Ngọ và Ngày Quốc tế thiếu nhi.


Ban thờ gia tiên mà các gia đình thường chuẩn bị vào dịp Tết Đoan Ngọ được tái hiện lại chi tiết tại Hoàng thành Thăng Long. 


Đoan Ngọ (Đoan Dương) là tết cổ truyền của Việt Nam và một số quốc gia Đông Á, diễn ra vào ngày mùng 5 tháng Năm âm lịch. Tuy nhiên, ở mỗi nước, lễ này lại mang những sắc thái và ý nghĩa riêng.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, ở Việt Nam, dân gian thường gọi là tết "nửa năm" hay tết “giết sâu bọ”, từ xa xưa đã lưu truyền câu ca dao: “Tháng Năm nhớ Tết Đoan Dương/Là ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang”, hay “Tháng Tư đong đậu nấu chè/Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”.

Trao đổi với HNMO về nét đẹp trong Tết Đoan Ngọ xưa và nay, nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết cho biết, đây là một trong những tết cổ truyền lớn của người Việt. Tết Đoan Ngọ nói lên ước vọng cầu mong cho mùa màng bội thu, đời sống ổn định, khỏe mạnh, an bình.


Gian trưng bày quạt.


Trước kia, các gia đình sửa soạn đón Tết Đoan Ngọ khá cầu kỳ, thường phải chuẩn bị cả tuần, từ việc tìm gạo nếp ngon, lá sen để làm rượu nếp; cho đến việc thổi xôi, nấu chè, làm bánh nếp, bánh khoai sọ...

Vào đúng ngày mùng 5 tháng Năm âm lịch, các gia đình sửa soạn đầy đủ mâm cúng gia tiên, gồm các vật phẩm do tự tay làm cùng hoa, quả theo mùa như: Hoa sen, vải, dưa bở, mận…

Ngày nay, do cuộc sống bận rộn, Tết Đoan Ngọ vẫn được người dân nhớ đến nhưng đã giản tiện hơn trước rất nhiều.

Gian trưng bày thuốc Bắc. Theo truyền thống xưa, dịp Tết Đoan Ngọ, các gia đình có tục giết sâu bọ, treo lá ngải, cây xương rồng, đeo bùa ngũ sắc...


Nói về việc đón Tết Đoan Ngọ trong kinh thành xưa, nhà sử học Lê Văn Lan cho biết, trong cung đình, Tết Đoan Ngọ là lễ thường triều, Hoàng đế chịu mệnh trời thực hiện một số nghi lễ như cúng tế các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến và ban quạt cho văn võ bá quan, với mong ước ban phúc lành, sức khỏe, bình an cho muôn nhà.

Trong ngày khai mạc, nhiều học sinh đã đến trải nghiệm.


Dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội, sau khi lấy ý kiến của các nhà sử học, nhà văn hóa, đã tái hiện không khí của ngày Tết Đoan Ngọ thời Lê Trung Hưng, gồm: Lễ rước, thiết triều và nhà vua ban ban quạt cho các quan từ hàm tam phẩm, với dụng ý thưởng cho những người có công được hưởng làn gió mát trong ngày hè oi ả.

Một số hình ảnh tái hiện hoạt động vua ban quạt trong cung đình thời Lê Trung Hưng vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ:

Lễ rước quạt.

Quạt vua ban được rước cẩn thận, trang nghiêm.

Quạt được để trên một chiếc khay trang trọng

Chỉ có quan hàm tam phẩm trở lên mới được vua ban quạt vào dịp Tết Đoan Ngọ.

Tái hiện cảnh gia đình của một quan tam phẩm nhận quạt vua ban.

Múa hát cung đình vào dịp Tết Đoan Ngọ.

Nhân dịp Tết Đoan Ngọ và Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội tổ chức chuỗi các hoạt động trưng bày, trải nghiệm phục vụ khách tham quan và các em nhỏ, nhằm giúp các em tìm về cội nguồn xưa, gìn giữ những phong tục, tập quán tốt đẹp của cha ông. Các hoạt động gồm:

- Trưng bày “Tết Đoan Ngọ xưa và nay”, giới thiệu một số phong tục xưa trong dân gian và cung đình; bộ sưu tập quạt đặc sắc, vẽ các danh lam thắng cảnh Thăng Long của nghệ nhân Lân Tuyết (từ ngày 24-5 đến 9-6).

- Trưng bày “Trò chơi dân gian Việt Nam” (từ ngày 24-5 đến 30-6).

- Các hoạt động trải nghiệm gồm: Làm quạt đón phúc lành; kết vòng nhận bình an; trò chơi dân gian như: Ô ăn quan, chơi chuyền, làm diều, bắn bi, nhảy dây, ném lon, đập niêu đất…; các hoạt động biểu diễn và giao lưu cùng nghệ nhân ẩm thực.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái hiện không khí Tết Đoan Ngọ trong hoàng cung thời Lê Trung Hưng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.