Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Vì sao lạc xứ” thổi làn gió mới cho nghệ thuật truyền thống

Hoàng Lân| 04/07/2019 17:50

(HNMO) - Vở cải lương “Vì sao lạc xứ” vừa ra mắt vào đầu tháng 7 tại Hà Nội đã tạo “làn gió mới” cho nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Dù vậy, vở diễn cũng cần có sự điều chỉnh để hoàn thiện hơn.

Cảnh trong vở “Vì sao lạc xứ”.

Vở cải lương “Vì sao lạc xứ” (tác giả Nguyễn Toàn Thắng; đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên) do các nghệ sĩ Đoàn thể nghiệm của Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong ngày ra mắt, khán phòng của Nhà hát Kim Mã kín chỗ ngồi, điều này được xem là tín hiệu mừng đối với nghệ thuật truyền thống.

“Vì sao lạc xứ” kể lại quãng đời xa xứ của Hồ Nguyên Trừng (con trai vua Hồ Quý Ly) - người có công phát minh ra súng thần cơ. Dẫu có trôi dạt đến đâu, ông vẫn nguyên vẹn lòng trung quân ái quốc. 

Đã có những giọt nước mắt khi chứng kiến cảnh Hồ Quý Ly (nghệ sĩ Quang Khải thể hiện) kiên quyết khuyên con trai Hồ Nguyên Trừng (nghệ sĩ Văn Đáng) không được tiết lộ bí quyết về súng thần cơ cho quân giặc và ông phải tìm tới cái chết trước mặt con mình. 

Tác giả đã hư cấu thêm nhân vật Vân Khanh (nghệ sĩ Minh Nguyệt) là người đàn bà tri kỷ của Hồ Nguyên Trừng tại xứ nhà Minh. Mối tình của Hồ Nguyên Trừng và cô thôn nữ bản địa là cái cớ để êkíp thỏa sức phóng tác. Vân Khanh tài sắc hơn người nhưng vì song thân bị giam cầm, cô đã dùng mọi thủ đoạn, thậm chí hy sinh cả tình cảm dành cho Hồ Nguyên Trừng, để lấy bằng được bí quyết quân sự.

Nhiều vai diễn chủ chốt do các nghệ sĩ trẻ đảm nhiệm.

Theo nhận xét của các nhà chuyên môn, vở cải lương “Vì sao lạc xứ” đã khai thác được những ưu thế nổi trội trong đặc trưng của cải lương. Yếu tố mới, thể nghiệm mang tính hiện đại cũng được đưa vào khiến cho khán giả thích thú khi xem.

Một trong những điểm mới của vở diễn này là đạo diễn đã khá liều lĩnh khi để các diễn viên trẻ đảm nhận các vai chủ chốt, như vai Vân Khanh do diễn viên trẻ Minh Nguyệt đảm nhận. Mặc dù Minh Nguyệt chưa thể hiện được hết cá tính nhân vật, đặc biệt hát có phần bị "đuối", nhưng theo nhận định của các nhà chuyên môn, việc để diễn viên trẻ thử sức những vai diễn khó là rất cần thiết. Nhiều chi tiết hư cấu của vở diễn được xem là giả thuyết mang tính phản biện so với chính sử, điều này có thể gây tranh cãi, nhưng đó là yếu tố để êkíp thực hiện “đo” cảm xúc của người xem.

Điểm trừ của vở diễn là phần kết thúc có phần dàn trải, chưa đạt được dụng ý nghệ thuật. NSƯT Đỗ Kỷ bày tỏ tiếc nuối cho phần kết chưa được xử lý khéo léo khiến người xem dễ hiểu sai tính cách nhân vật Hồ Nguyên Trừng. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng lưu ý một số chi tiết về nội dung cần thay đổi, điều chỉnh để vở diễn hoàn chỉnh hơn.

“Phần múa mở màn và giữa vở diễn cần gia cố về nhạc, làm rõ bối cảnh cũng như tình tiết. Cái kết cũng cần suy nghĩ lại sao cho chặt chẽ hơn với cốt truyện và nhân vật lịch sử” - Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận xét.

“Vì sao lạc xứ” đã lấy được nước mắt khán giả, thổi làn gió mới cho nghệ thuật truyền thống khi mạnh dạn thay đổi tư duy làm những đề tài mang tính lịch sử. Dù vậy, để có thể ra mắt rộng rãi công chúng, vở diễn cần có sự điều chỉnh để hợp lý và hoàn chỉnh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Vì sao lạc xứ” thổi làn gió mới cho nghệ thuật truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.