Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh - khó vì đâu?

Hoàng Lân| 18/07/2019 17:34

(HNMO) - Khi những vấn đề về đạo tranh, nhái ảnh, vi phạm bản quyền diễn ra phổ biến trong giới mỹ thuật, nhiếp ảnh thì công tác giám định các tác phẩm được cho là công việc khó khăn vì nhiều lý do.

Hội thảo “Công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh - thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 18-7 tại Hà Nội đã phần nào nói lên những cái khó của giới chuyên môn trong vấn đề này.

Hội thảo “Công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh - thực trạng và giải pháp”.

Hội thảo do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, có sự tham dự của đại diện Cục Bản quyền tác giả, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Trung tâm Thẩm định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam và đông đảo họa sĩ, nhiếp ảnh gia, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhiếp ảnh.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Vi Kiến Thành cho biết, thị trường mỹ thuật trong nước đang có sự phát triển với các hoạt động giao lưu, trao đổi, mua bán kinh doanh tác phẩm mỹ thuật ở trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, nạn tranh giả, tranh nhái đang diễn ra ngày càng tinh vi đã gây tâm lý hoang mang, thiếu tin tưởng từ chính giới mỹ thuật và các nhà sưu tầm. Vì thế, nhu cầu giám định tác phẩm trở nên cấp bách và thiết thực dù đây là công việc khó khăn, đòi hỏi sự hiểu biết của các nhà giám định và sự phát triển của công nghệ, máy móc.

Hiện nay, giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam là công việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, chưa có máy móc trang thiết bị kỹ thuật. Ngoài ra, công tác giám định tác phẩm gặp trở ngại vì các quy định về hoạt động này còn sơ sài, chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn. Nhiều người vẫn có tâm lý nghi ngờ, không công nhận công tác giám định nên khi xảy ra tranh chấp về bản quyền tác phẩm cũng khó có sự giải quyết thỏa đáng cho các bên. 

Ở các nước có thị trường mỹ thuật, tức là có mua bán, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, việc giám định đều có các tổ chức, cá nhân làm công tác giám định tác phẩm, cấp giấy chứng nhận giám định tác phẩm để tác phẩm đó tham gia vào hoạt động mua, bán đấu giá.

Trong khi đó tại Việt Nam, công việc giám định các tác phẩm lại hoàn toàn nhờ vào con người và máy móc của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới mà công việc giám định tác phẩm mỹ thuật lại do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. 

Trước thực trạng này, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm kêu gọi các tổ chức, cá nhân có năng lực về chuyên môn, công nghệ hãy nhiệt tình và mạnh dạn thành lập, tổ chức hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật để công việc này được thực hiện có hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh - khó vì đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.