Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân rộng mô hình tuyên truyền quy tắc ứng xử

Thanh Thủy| 21/07/2019 07:48

(HNM) - Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội (quy tắc ứng xử) đã mang lại những chuyển động tích cực cho đời sống văn hóa ở Thủ đô. Để hệ thống quy tắc ứng xử ngày càng đi vào cuộc sống, phong trào nhân rộng các mô hình điểm về tuyên truyền quy tắc ứng xử đang được phát động rộng rãi từ thành phố tới cơ sở, nhằm khơi dậy những sáng kiến, việc làm tốt vì chất lượng sống của người dân.

Tuổi trẻ thị xã Sơn Tây ra quân tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Đa dạng những mô hình điểm

Đoàn thanh niên thị xã Sơn Tây vừa phối hợp với UBND phường Lê Lợi (thị xã Sơn Tây) ra mắt mô hình “Tuổi trẻ Sơn Tây tuyên truyền trực quan Quy tắc ứng xử nơi công cộng”. Với sự tham gia của hơn 60 đoàn viên tiêu biểu, mô hình là tổ hợp những việc làm nhằm thúc đẩy sức lan tỏa của hệ thống quy tắc ứng xử trong đời sống, như: Tuyên truyền các nội dung của Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần; thực hiện vẽ tranh bích họa gắn với xóa điểm chân rác… Bà Nguyễn Thị Hiền (phường Lê Lợi) cho biết: Các bạn trẻ nhiệt tình hỗ trợ người dân bóc gỡ quảng cáo, rao vặt; trồng cây xanh; nhắc nhở mọi người để rác đúng quy định và đưa các nội dung của quy tắc ứng xử đến từng nhà để người dân nắm bắt, hình thành ý thức thực hiện...

Cùng với thị xã Sơn Tây, một loạt phường: Xuân Tảo, Cổ Nhuế, Thượng Cát, Đông Ngạc…, của quận Bắc Từ Liêm cùng hăng hái phát động mô hình “Tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường xanh - sạch - đẹp” trên địa bàn. Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc Nguyễn Quang Thậm chia sẻ: "Ngay sau lễ phát động, cả 13/13 tổ dân phố trên địa bàn phường đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tổng vệ sinh đường làng, ngõ phố, chỉnh trang nhà văn hóa, vận động trồng hoa, cây cảnh tại hộ gia đình…”.

Nhân rộng các mô hình điểm tuyên truyền về quy tắc ứng xử là một trong những giải pháp quan trọng của năm 2019 nhằm đẩy mạnh sức lan tỏa của hệ thống quy tắc ứng xử. Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, cách làm này không phải là mới, mà đã được thực hiện từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc phát động xây dựng các mô hình điểm về tuyên truyền quy tắc ứng xử lần này nhằm thúc đẩy các địa phương có thêm sáng kiến, bồi đắp những giá trị tốt đẹp, lối sống vì cộng đồng, tạo đà cho nếp sống văn hóa lan tỏa hơn nữa trong đời sống.

Thúc đẩy sáng kiến vì cộng đồng

Để tổ chức thực hiện các mô hình tuyên truyền quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố, tháng 4-2019, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành Văn bản hướng dẫn số 35/HD-SVHTT, triển khai đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể và 30 quận, huyện, thị xã. Theo đó, có 10 mô hình được hướng dẫn thực hiện, đó là: Thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường xanh - sạch - đẹp; chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung; cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng… Các mô hình đều có hướng dẫn cụ thể, xác định rõ đối tượng tuyên truyền, đơn vị thực hiện, thời gian, hình thức phù hợp.

Trên cơ sở đó đã có nhiều quận, huyện, thị xã: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên, Sơn Tây… lựa chọn các mô hình tuyên truyền phù hợp để phát động. Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết, quận đã lựa chọn 3 mô hình gồm: Mô hình bộ phận "một cửa" giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp ở phường Đại Mỗ; mô hình chung cư văn hóa tại chung cư CT4, tổ dân phố số 1, phường Mỹ Đình 1 và mô hình tuyên truyền cho tiểu thương giao tiếp thân thiện khi mua, bán hàng hóa, niêm yết giá, nguồn gốc sản phẩm, không sử dụng hóa chất độc hại tại Trung tâm thương mại dịch vụ Trung Văn để thí điểm thực hiện. Thời gian thực hiện thí điểm các mô hình này bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8, sau đó sẽ có khảo sát, đánh giá hiệu quả để tiếp tục nhân rộng.

Không chỉ triển khai, thực hiện các mô hình do thành phố phát động, nhiều địa phương còn có đề ra nhiều mô hình với cách làm sáng tạo mới để tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tại quận Thanh Xuân, mô hình “Tổ dân phố 5 không” với từ 1 đến 2 điểm sáng đầu tiên, đến nay đã được nhân rộng ở cả 11/11 phường. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Thanh Xuân Nguyễn Thị Thu Trang cho biết: Bằng những việc làm đơn giản, cụ thể, các mô hình "Tổ dân phố 5 không" đã được người dân đưa vào đời sống, lan tỏa tới các phường trên địa bàn quận.

Còn ở phường Việt Hưng (quận Long Biên), có 7/15 tổ dân phố đang triển khai thực hiện các mô hình: Mái nhà xanh 3.1; đường hoa tự quản, xóa điểm chân rác; thu gom phế liệu gây quỹ nhân đạo; đổi rác, phế liệu lấy cây xanh… Ông Đặng Văn Sách (tổ dân phố số 4, phường Việt Hưng) chia sẻ: Trong ngày vận động thu gom phế liệu, cán bộ tổ dân phố đến từng nhà dân để tuyên truyền, nhắc nhở người dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, tổng vệ sinh nhà cửa, vận động mọi người phân loại rác thải, những phế liệu có thể tái chế để bán lấy tiền gây quỹ từ thiện. 

Khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi con người với nơi mình sống là mục tiêu quan trọng của phong trào nhân rộng các mô hình tuyên truyền quy tắc ứng xử, từ đó nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền nhấn mạnh, ngoài việc vận động, hướng dẫn triển khai mô hình, các địa phương cần thường xuyên khích lệ, có chính sách động viên, hỗ trợ để các mô hình có sức sống bền bỉ, thực sự phát huy hiệu quả trong việc hình thành, bồi đắp văn hóa ứng xử ở cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng mô hình tuyên truyền quy tắc ứng xử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.