Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xúc động đứng trước Quảng trường Ba Đình ngày Tết Độc lập

Hoàng Lân| 02/09/2019 14:25

(HNMO) – Hôm nay (2-9), kỷ niệm 74 năm Quốc khánh, nhiều người dân và du khách có mặt tại Quảng trường Ba Đình từ sớm, nơi mà cách đây 74 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dòng người trang nghiêm chứng kiến nghi lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình và vào Lăng viếng Bác.

Lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình vào sáng 2-9.

Ngày 2-9-1945, trước hàng vạn nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 74 năm đi qua, ký ức về thời khắc lịch sử - thời khắc về ngày Độc lập thiêng liêng của dân tộc vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi người dân Việt Nam.

Lễ thượng cờ bắt đầu vào lúc 6h sáng.

Kể từ đó đến nay, sáng 2-9, hàng vạn người dân và du khách, quần áo chỉnh tề, trang nghiêm có mặt tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, chứng kiến lễ thượng cờ trước Lăng Bác.

Lễ thượng cờ được thực hiện vào buổi sáng hằng ngày, nhưng vào sáng 2-9 nghi lễ này luôn mang đến cảm xúc thiêng liêng và tự hào cho mỗi người dân Việt Nam.

Thượng cờ là nghi lễ quốc gia, được thực hiện hằng ngày, vào lúc 6h sáng mùa hè và 6h30 sáng mùa đông. Dù vậy, nghi lễ thượng cờ vào sáng ngày Quốc khánh vẫn luôn mang đến sự thiêng liêng và xúc động đối với người dân Việt Nam.

5h45 sáng, tiếng loa phát thanh vang lên khắp Quảng trường. Đoàn thượng cờ khởi hành từ phía sau Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn mang lá Quân kỳ Quyết thắng dẫn đầu, kế đến là đội tiêu binh có 34 người tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. 

Lễ thượng cờ được thực hiện trang trọng.

Khoảng 5h50, khi đội tiêu binh chuẩn bị làm lễ là lúc cửa Lăng được mở ra. Các nghi thức treo cờ được thực hiện cẩn thận trước sự chứng kiến của nhiều người dân.

Khi bài “Tiến quân ca” vang lên, chiến sĩ tung cờ và lá Quốc kỳ được tự động kéo lên cột cờ cao 30m. Hàng nghìn người dân có mặt cùng hát Quốc ca, trang nghiêm nhìn lá cờ tung bay trong ngày Tết Độc lập. Đây cũng là thời khắc thiêng liêng mà nhiều người dân Việt Nam luôn muốn được chứng kiến tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào buổi sáng 2-9.

Rất đông người dân có mặt từ sáng sớm, nghiêm trang theo dõi Lễ thượng cờ.

Sau Lễ thượng cờ, nhiều người dân đến thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Sáng nay, sau Lễ thượng cờ, nhiều người dân đã thắp hương tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Người thày vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Quảng trường Ba Đình còn được gọi là Quảng trường Độc lập vì tại đây vào ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Quảng trường có chiều dài 320m, rộng hơn 100m, chia thành 240 ô vuông trồng cỏ, là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa; ở giữa là cột cờ cao 30m. 

Hình ảnh Quảng trường Ba Đình vào chiều 2-9-1945 (Ảnh tư liệu).

Theo tư liệu, Quảng trường Ba Đình hiện nay, trước vốn là khu vực cửa Tây của thành Hà Nội cổ. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quảng trường Ba Đình còn gọi là Quảng trường Tròn (Rond Point Pugininer) hay còn gọi là Quảng trường Pugininer. 

Cách mạng Tháng Tám thành công, Quảng trường Tròn được gọi là Vườn hoa Ba Đình hay Quảng trường Ba Đình – để tưởng nhớ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nhân dân Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX do Phạm Bành và Đinh Công Tráng lãnh đạo. 

Với người dân Việt Nam, Quảng trường Ba Đình như là "nhân chứng lịch sử" chứng kiến nhiều hoạt động kỷ niệm, mít tinh lớn của đất nước và dân tộc:

- Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. 

- Ngày 1-1-1955, tại đây nhân dân Hà Nội đã tổ chức cuộc mít tinh trọng thể mừng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô.

- Ngày 9-9-1969, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị Lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, đã được cử hành trọng thể. Hàng vạn đồng bào trong cả nước và bạn bè quốc đã tới đây dự lễ.

Sau đó không lâu, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định chọn Quảng trường Ba Đình làm nơi yên nghỉ vĩnh viễn của Người và quyết định xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Ngày 2-9-1975 (chỉ vài ngày sau khi Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành, vào ngày 29-8-1975) tại Quảng trường Ba Đình diễn ra lễ mít tinh của 400.000 người, mừng thống nhất đất nước cùng với cuộc diễu binh long trọng của các lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô.

- Ngày 10-10-2010, nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đây là nơi diễn ra lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành có quy mô lớn.

- Ngày 2-9-2015 diễn ra lễ diễu binh quy mô lớn kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xúc động đứng trước Quảng trường Ba Đình ngày Tết Độc lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.