Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thương hiệu quốc gia lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh

An Nhi| 08/09/2019 07:30

(HNM) - Việc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, với 2 đề án “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” và “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”, đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Đây là hoạt động nhằm góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời quảng bá đất nước, con người Việt Nam qua nghệ thuật. Tuy nhiên, để xây dựng thành công các đề án này cần nhiều tâm huyết.

Sáng tạo để làm nên nét đặc sắc của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Nhiều ưu thế để phát triển

Thành phố nhiếp ảnh và nghệ thuật sơn mài là 2 nội dung có nhiều ưu thế để phát triển, xây dựng thành thương hiệu quốc gia. Theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành, nhiếp ảnh là “tấm danh thiếp” hiệu quả để giới thiệu, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút du lịch... “Chúng ta có những tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực sẵn có để xây dựng thành phố nhiếp ảnh tiêu biểu của đất nước. Thứ nhất là thiên nhiên ưu đãi có nhiều cảnh quan đẹp nổi tiếng thế giới và truyền thống văn hóa đặc sắc. Thứ hai là lực lượng sáng tác nhiếp ảnh lớn, có khả năng ứng dụng công nghệ để đưa hình ảnh đất nước ra thế giới”, ông Vi Kiến Thành chia sẻ.

Theo dự thảo đề án, “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” sẽ được xây dựng trở thành một nơi tràn đầy sức sống, có sự hòa hợp giữa phong cảnh thiên nhiên với các di sản văn hóa, các điểm du lịch; có điều kiện để nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tạo; có khả năng tổ chức các hoạt động giao lưu quốc tế về nhiếp ảnh. “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” có thể là một địa phương hoặc một vài địa phương luân phiên đăng cai. Có nhiều nơi đáp ứng các tiêu chí trên, như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình hoặc Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Lạt (Lâm Đồng), Hội An (Quảng Nam)…

Còn với nghệ thuật sơn mài, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Trần Vũ Hoàng nhận định, nước ta có truyền thống lâu đời về nghề sơn. Nếu ở các quốc gia khác, sơn mài đa phần dùng để làm đồ thủ công, mỹ nghệ, thì ở nước ta, đây là chất liệu trong sáng tác với một lực lượng nghệ sĩ đông đảo. Bằng tài năng, sự tìm tòi và nghiên cứu chất liệu sơn ta riêng có, các nghệ sĩ, nghệ nhân đã tạo nên một nền nghệ thuật sơn mài phong phú, độc đáo, mang dấu ấn truyền thống văn hóa Việt Nam.

Đề án “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” sẽ đưa ra những tiêu chuẩn về chất liệu, quy trình chế tác, nghệ thuật, kỹ thuật của tác phẩm, sản phẩm sơn mài mang thương hiệu quốc gia; xây dựng kế hoạch, nội dung để Việt Nam từng bước trở thành trung tâm của nghệ thuật sơn mài trong khu vực và thế giới...

Thiếu sự nhiệt tình

Hiện tại, đề án xây dựng thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia và giới nghề. Ngoài việc có nhiều lợi thế, thì đây còn là đòi hỏi cấp thiết để bảo tồn loại hình nghệ thuật này. “Nước ta là nơi sản sinh ra kỹ thuật vẽ sơn mài, nhưng nhiều người không sử dụng đúng chất liệu truyền thống, mà pha tạp khi sáng tác. Đó là điều đáng tiếc!” - họa sĩ Triệu Khắc Tiến lo ngại.

Trong khi đó, đề án “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí cho rằng, chưa cần thiết triển khai. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến nhận định: “Nghệ thuật nhiếp ảnh là sáng tạo mang tính cá nhân. Việc tổ chức các sự kiện như dự thảo đề án đưa ra ít có ích cho sáng tác”. Nhưng, thực tế cũng chứng minh, việc xây dựng thương hiệu thành phố nhiếp ảnh có ý nghĩa lớn không chỉ với người sáng tác, mà kéo theo những chuyển động của du lịch, văn hóa, kinh tế... Ví dụ, thị trấn Higashikawa (Hokkaido) được tuyên bố là “Thị trấn nhiếp ảnh của Nhật Bản” từ năm 1985, được chăm chút đến mức bất cứ góc nào lọt vào khuôn hình cũng hoàn mỹ. Giải thưởng nhiếp ảnh mang tên thị trấn Higashikawa cũng khá uy tín và thu hút giới nghề quốc tế. Nguồn lợi từ hoạt động nhiếp ảnh và du lịch nhảy vọt từ khi nơi đây được gắn thương hiệu.

Song, những lo lắng cho sự thành công của đề án “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam” là không thừa. Người viết đã nhiều lần chứng kiến du khách bị gia chủ đuổi không cho chụp ảnh, hoặc gặp biển “Cấm chụp ảnh” tại một số nơi, trong đó có cả địa phương được “nhắm” xây dựng thương hiệu. Ông Vi Kiến Thành cũng bày tỏ tâm tư, trong quá trình khảo sát để xây dựng dự án, một số địa phương khá nhiệt tình hưởng ứng, như thành phố Hội An (Quảng Nam), thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) hay tỉnh Ninh Bình, nhưng cũng có nơi từ chối thẳng thừng hoặc không mấy mặn mà…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn đề xuất, nên chọn một địa phương hội tụ nhiều nhất các tiêu chí, như phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có di sản văn hóa giá trị, có tiềm năng du lịch, có kinh nghiệm và nguồn lực tổ chức các sự kiện lớn để chọn xây dựng “Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam”. Thành phố này phải có được hoạt động mang thương hiệu giống Festival Huế hay lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng… Tuy nhiên, ông Trần Vũ Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho rằng, việc này thiếu khả thi hơn việc xây dựng một hoạt động nhiếp ảnh quốc tế lớn gắn với Việt Nam, tổ chức luân phiên tại các địa phương có tiềm năng.

Về đề án “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”, theo ông Trần Vũ Hoàng, muốn triển khai thành công cần tổ chức các hoạt động nghiên cứu sâu, có tính khoa học về nghệ thuật sơn mài nước ta, sau đó công bố và quảng bá với thế giới, để mọi người thấy rõ sự đặc sắc loại hình này của Việt Nam. Hiện tại, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết về việc xây dựng thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu quốc gia lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.