Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam: Dốc sức cho một dấu mốc lịch sử

Trà Giang| 03/10/2019 11:32

(HNMCT) - Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vừa khiến công chúng phấn khích khi quyết định dựng lại đầy đủ vở ballet kinh điển Hồ Thiên nga theo trường phái Mátxcơva nhân kỷ niệm 60 năm thành lập nhà hát. Quyết định “chơi lớn” với những tiêu chuẩn khắt khe về nghệ thuật, cả nhà hát dường như đang gồng mình để nâng tầm trước một dấu mốc lịch sử mới.

Vở Hồ Thiên nga.

Quyết tâm theo đuổi tiêu chuẩn đỉnh cao

Nhận lời mời của người bạn học thân thiết là NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB), nghệ sĩ ballet nổi tiếng Lê Ngọc Văn, hiện đang là diễn viên múa hạng nhất  kiêm biên đạo múa của Nhà hát Ballet quốc gia Anh, đã tạm gác công việc để về nước dàn dựng vở ballet kinh điển Hồ Thiên nga. Lần đầu tiên vở Hồ Thiên nga được trình diễn một cách đầy đủ tại Việt Nam cách đây đã hơn 30 năm, đó là năm 1985, dưới sự dàn dựng của chuyên gia Nga.

Hơn 30 năm trôi qua, ballet Việt Nam chưa thể trình diễn một cách đầy đủ vở vũ kịch này mà chỉ là những trích đoạn nhỏ lẻ. Chính vì vậy, lần này các nghệ sĩ của VNOB đã quyết tâm dựng lại vở ballet này một cách hoàn chỉnh, với đủ 4 màn.

Vở ballet Hồ Thiên nga được công diễn lần đầu tiên vào năm 1877, tại Nhà hát Bolshoi Mátxcơva (Nga). Tác phẩm ballet kinh điển này được xem là đánh dấu một bước ngoặt trong sáng tác của nhạc sĩ thiên tài người Nga Tchaikovsky. Trong lịch sử gần 140 năm tồn tại, Hồ Thiên nga được hiểu và trình diễn theo nhiều trường phái, với tổng phổ và bối cảnh rất khác nhau.

Và để khẳng định các nghệ sĩ của mình không thua kém các nghệ sĩ của những sân khấu ballet tầm cỡ thế giới, biên đạo Lê Ngọc Văn đã chọn thể hiện vở Hồ Thiên nga theo trường phái Mátxcơva, được coi là “thể hiện đúng tinh thần và triết lý Tchaikovsky nhất”.

“Hồ Thiên nga của VNOB sẽ được dàn dựng theo phong cách Nga nhưng có sự xen kẽ, pha trộn những điểm nhấn riêng, tạo nên nét độc đáo của phiên bản Việt. Tôi đã tận dụng tối đa sự mềm mại của diễn viên, sự năng động và hoạt bát của các tài năng trẻ, cắt bỏ những phần rườm rà để tạo nên một Hồ Thiên nga của người Việt”, biên đạo Lê Ngọc Văn cho biết.

Vở ballet Hồ Thiên nga sẽ được giới thiệu tới công chúng Thủ đô vào tối 7-10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở diễn nằm trong chuỗi chương trình biểu diễn nhân kỷ niệm 60 năm thành lập VNOB (6/8/1959 - 6/8/2019). Cũng trong dịp này, VNOB sẽ giới thiệu tới khán giả vở nhạc kịch Người tạc tượng của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Nhưng cũng chính lựa chọn này của anh khiến cả tập thể phải gồng mình, dốc sức bởi bản dựng này có những yêu cầu rất khắt khe về chuyên môn. Nghệ sĩ ballet Thu Huệ, người đảm nhận hai vai Odette và Odite (thiên nga đen và trắng) chia sẻ: “Suốt nhiều tháng qua, các nghệ sĩ nhà hát đã phải tập luyện quần quật, đến mức ám ảnh cả vào giấc ngủ”.

Còn nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, người sẽ chỉ huy dàn nhạc “chơi sống” cả 4 màn của vở Hồ Thiên nga cho rằng phần tổng phổ của vở này quá gai góc, anh và các đồng nghiệp phải trả giá bằng rất nhiều thời gian để tìm hiểu, bằng những đêm tập đàn đến mất ngủ.

Gắn bó với VNOB suốt 15 năm qua và nhiều lần đảm nhiệm những vai diễn lớn nhưng lần này với NSƯT Đàm Hàn Giang cũng là một trải nghiệm đặc biệt: “Bản thân tôi cũng từng học và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, diễn viên nhà hát cũng đã va chạm với các biên đạo trên thế giới rất nhiều nhưng dựng lại vở ballet Hồ Thiên nga đầy đủ cả 4 màn, múa và chơi nhạc live trên sân khấu suốt hơn 2 tiếng là điều mà chúng tôi chưa từng làm. Chính vì vậy, thực hiện vở Hồ Thiên nga là dịp để nhà hát và các nghệ sĩ khẳng định vị trí của mình”.

Chỉ có thể lý giải bằng tình yêu

Nói về vở ballet này, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh nhắc đi nhắc lại rằng “đây là một vở diễn quá xa xỉ”: “Chúng tôi không có đủ kinh phí cho một vở diễn lớn như vậy và để có được ngày hôm nay, tất cả chỉ có thể giải thích bằng tình yêu, quyết tâm của các nghệ sĩ. Với phương Tây, ballet đã là truyền thống của họ, để thực hiện một vở ballet như thế này họ có những nhạc cụ rất tuyệt vời nhưng nhạc cụ của mình thì không tuyệt vời như thế, mình chỉ có con người tuyệt vời thôi và mình vẫn theo truyền thống của người Việt là “có gì đánh nấy”. Tôi thực sự rất cảm kích và biết ơn khi các nghệ sĩ đã cùng nhau trải qua những buổi tập dài hơn 4 tiếng không nghỉ, tập xong về nhà lo cơm nước xong lại mang đàn ra tập đến 1h đêm, thức không biết bao nhiêu đêm như thế để có ngày hôm nay”.

Trong nghệ thuật, “lửa” tình yêu được truyền đi rất nhanh và nó lôi cuốn cả những nghệ sĩ bên ngoài VNOB vào cuộc. Dàn nhạc nhà hát không đủ người nhưng khi nghe NSƯT Trần Ly Ly “hiệu triệu”, nhiều nhạc công từ các nhà hát khác đã tề tựu về đây luyện tập nhiều tháng trời.

Trang phục không có, nhóm thiết kế Ellie Vu đã xung phong tài trợ cả trăm bộ trang phục cầu kỳ, lộng lẫy cho sân khấu ballet theo phong cách Italia, đúng với đòi hỏi khắt khe của biên đạo, mà chỉ yêu cầu quyền lợi là đôi vé xem biểu diễn... Sự hết mình đóng góp, không hề đòi hỏi bất cứ điều gì của các nghệ sĩ vào tác phẩm tầm vóc này khiến NSƯT Trần Ly Ly phải thốt lên rằng: “Trái tim tôi vụn vỡ vì cảm kích”.

“Việc dựng vở ballet Hồ Thiên nga phiên bản 2019 là một quyết định táo bạo đối với lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, nghệ sĩ VNOB. Bởi lẽ không chỉ đòi hỏi đầu tư về tiền bạc, Hồ Thiên nga còn đòi hỏi sự tập trung cao độ của toàn bộ dàn diễn viên, nghệ sĩ của nhà hát với 60 nghệ sĩ tham gia dàn nhạc chơi live suốt vở cùng với hơn 60 diễn viên múa và thời gian tập luyện cũng kéo dài 6 tháng”, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ.

Đầu tư lớn cho vở diễn vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập nhà hát và cũng là cách VNOB khẳng định quyết tâm đưa ballet kinh điển đến với khán giả trong giai đoạn tới và đánh dấu một chặng đường nỗ lực vươn đến nền nghệ thuật bác học của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam: Dốc sức cho một dấu mốc lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.