Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn học trẻ thế giới: Những đột phá và mặt trái của sự sáng tạo

Quỳnh Dương| 24/10/2019 10:31

(HNMCT) - Có lẽ chưa có thời kỳ nào các cây viết trẻ trên thế giới lại nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện nhiều như hiện nay. Ngoài hạng mục dành cho nhà văn trẻ trong các giải thưởng văn học lớn mang tầm cỡ quốc tế, hầu hết quốc gia đều có những diễn đàn riêng để khuyến khích thế hệ trẻ tham gia sáng tác. Tuy nhiên, trong sự bùng nổ các tác phẩm mới, cũng có không ít vấn đề gây tranh cãi.

Nữ nhà văn trẻ Sally Rooney giành Giải thưởng sách nước Anh (British Book Awards) năm 2019.

Sức sáng tạo mạnh mẽ của những gương mặt trẻ

Giữa tháng 6 vừa qua, nữ tác giả Emily Ruskovich 33 tuổi người Mỹ đã trở thành người chiến thắng của Giải thưởng văn học quốc tế Dublin với tác phẩm đầu tay Idaho.

Đây không chỉ là một bất ngờ đối với cô gái sống ở tiểu bang miền Tây xứ Cờ hoa mà còn là bất ngờ đối với giới văn chương trên thế giới. Vì để chạm tay tới giải thưởng danh giá chỉ xếp sau giải Nobel này, Emily Ruskovich phải vượt qua 141 đề cử, trong đó có không ít tác phẩm của những cây viết thuộc hàng “cây đa, cây đề”.

Dù là gương mặt hoàn toàn mới song tác giả của Idaho nhận được sự đánh giá cao của ban giám khảo gồm những nhà văn kỳ cựu như nhà văn Orhan Pumuk - người từng giành giải Nobel văn học năm 2016 hay Mike McCormack - chủ nhân Giải thưởng văn học quốc tế Dublin năm ngoái.

Trong một bài viết đăng trên nhật báo Independent (Anh), tác giả Lucy Scholes đã nhận xét: “Đây là một câu chuyện buồn nhưng được kể bởi lời văn hết sức nhẹ nhàng và đẹp đẽ của tác giả. Điều này đã làm nên sự độc đáo của Idaho giữa một rừng tác phẩm xuất sắc khác. Tác giả cũng đã thuyết phục được Ban giám khảo bằng cách triển khai câu chuyện và cách hành văn hoàn toàn mới mẻ nhưng vẫn giàu hình ảnh trong sử dụng ngôn ngữ”.

Và quan trọng hơn cả, chiến thắng của Emily Ruskovich đã thêm một lần nữa chứng minh, chủ nhân của các giải thưởng văn học lớn đang ngày càng trẻ hóa.

Đầu năm nay, Cuốn sách của năm -  giải thưởng cao nhất của Giải thưởng sách nước Anh đã được trao cho nữ nhà văn người Ireland Sally Rooney với tác phẩm Normal People (tạm dịch là Người bình thường). Ở độ tuổi 27, cô đã trở thành người trẻ nhất nhận được giải thưởng đáng mơ ước của nhiều cây viết này.

Đáng chú ý, Normal People đã vượt qua cả hai đối thủ “nặng ký” là hồi ký của phu nhân cựu Tổng thống Mỹ Michelle Obama và tác phẩm của nhà văn từng thắng giải Man Booker 2018 Anna Burns.

Chủ tịch giám khảo Brett Wolstencroft cho biết: “Cuốn tiểu thuyết của Rooney đã đạt được những điều hiếm có. Một tác phẩm của một cây bút còn rất trẻ nhưng lại ẩn chứa nội lực sáng tạo mạnh mẽ. Đây thực sự là một tiểu thuyết siêu phàm của văn học, truyền tải câu chuyện sâu sắc về tình yêu, tình bạn và ý thức bản thể. Sally Rooney là một tài năng lớn và tiểu thuyết thứ hai này của cô cũng gây kinh ngạc như lần ra mắt tác phẩm đầu tiên. Ngay cả những độc giả ở độ tuổi 70, 80 vẫn yêu mến Normal People. Niềm đam mê cháy bỏng là những điều chúng tôi cảm nhận được ở cuốn sách”.

Bên cạnh Emily Ruskovich, Sally Rooney, hằng năm, trong danh sách những tiểu thuyết bán chạy nhất hoặc bảng xếp hạng các nhà văn được yêu thích, luôn có những gương mặt trẻ xuất hiện đều đặn.

Ian Jack - Tổng Biên tập của Granta - tạp chí có uy tín hàng đầu đối với giới văn chương đã đưa ra nhận định, văn học thế giới đang ngày càng trẻ hóa. Đáng nói là hầu hết những gương mặt được đánh giá cao đều đã qua đào tạo về bộ môn này. Chính vì quan điểm viết lách có thể mang lại sự thay đổi cho thế giới nên số lượng học viên lựa chọn sự nghiệp văn chương sẽ ngày càng đông.

Xu hướng gây tranh cãi

Không thể phủ nhận sự sáng tạo của giới trẻ đã mang tới những làn gió tươi mới cho văn học thế giới. Nhiều tác phẩm ra đời đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho bạn đọc như The book thief (Kẻ trộm sách) của tác giả người Australia Markus Zusak.

Tác phẩm liên tục nằm trong danh sách bán chạy nhất thế giới này kể về một cô gái phải cố gắng duy trì cuộc sống dưới thời Đức Quốc xã bằng cách ăn trộm sách, hay cuốn Eleanor and Park (Eleanor và công viên) của tác giả người Mỹ Rainbow Rowell, cuốn Thirteen reasons why (Mười ba lý do tại sao) của tác giả người Mỹ Jay Asher... Tuy nhiên, chính sự sáng tạo cũng mang đến những tác phẩm ngoài sức tưởng tượng, thậm chí theo xu hướng tiêu cực.

Theo thống kê của Thời báo New York (Mỹ), những tiểu thuyết nằm trong danh sách bán chạy nhất thời gian gần đây thường rơi vào cuốn có nội dung kinh dị chẳng hạn như One of Us Is Lying (Một trong chúng ta là kẻ nói dối) - tác phẩm đầu tay của Karen McManus, một câu chuyện hư cấu về một nhóm học trò nhưng gây ám ảnh bởi sự chết chóc từ đầu tới cuối.

Trong danh sách những cuốn truyện xuất bản gần đây có thể khiến độc giả “rợn tóc gáy” còn có Sadie của Courtney Summers, hay Sream all night (La hét suốt đêm) của Derek Milman.

Đáng nói là, việc những tác phẩm kinh dị liên tục nằm trong tốp đầu những cuốn sách được độc giả tìm kiếm là một trong những nguyên nhân khiến cho các nhà xuất bản và nhiều tác giả khó có thể chối từ trước khoản lợi nhuận thu được từ dòng tiểu thuyết này. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến trào lưu viết về các thể loại kinh dị nở rộ và khiến cho các dòng tiểu thuyết khác trở nên mờ nhạt.

Thực trạng này là một vấn đề đang được các nhà văn đề cập tới và cũng là chủ đề gây khá nhiều tranh cãi. Nhiều tác giả ủng hộ cách viết đáp ứng theo nhu cầu bạn đọc, tuy nhiên cũng có rất nhiều ý kiến phản đối. Vì ngoài việc gây ảnh hưởng tới sự đa dạng văn học, nội dung của những câu chuyện mang nhiều tính bạo lực, ma mị cũng đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho giới trẻ.

Kimberly Gabriel, giáo viên dạy lớp 7 của một trường trung học ngoại ô Chicago (Mỹ) cho biết, những học sinh của cô thích phim kinh dị đến mức chưa xem hết bộ này đã bàn tới việc xem bộ khác. Đây là điều rất đáng lo và cô không bao giờ để bất kỳ một đĩa phim kinh dị nào trên giá thư viện của trường.

Bên cạnh phim kinh dị thì những câu chuyện tình cảm sướt mướt hay ngôn tình cũng đang là xu hướng được đánh giá sẽ ảnh hưởng nhiều tới sự lựa chọn phong cách viết của các tác giả trẻ trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn học trẻ thế giới: Những đột phá và mặt trái của sự sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.