Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa lịch 2020: Hướng đến nét văn hóa đặc sắc

Yên Nga| 27/10/2019 06:31

(HNM) - Mùa lịch năm 2020 bắt đầu bước vào giai đoạn sôi động. Dù chỉ mang tính chất thời vụ, nhưng ngay từ đầu năm 2019, các đơn vị xuất bản, in và phát hành đã tất bật nghiên cứu thị trường, đón bắt nhu cầu của người dùng để có những thiết kế chất lượng về nội dung và hình thức. Hiện tại, các đơn vị sản xuất lịch đã hoàn thiện các mẫu mã và phương án phát hành. Có thể nhận thấy, các sản phẩm lịch năm 2020 hướng đến những nét văn hóa đặc sắc của đất nước.

Năm nay, các đơn vị sản xuất lịch đã đầu tư nội dung và thiết kế mỹ thuật để cung ứng cho thị trường sản phẩm độc đáo, đa dạng, nhiều ý nghĩa. Ảnh: Thụy Du

Thiết kế sáng tạo, giàu ý nghĩa

Với người Việt hiện nay, nhu cầu mua lịch khi chuẩn bị bước sang năm mới không chỉ đáp ứng việc xem ngày, tháng, mà còn là một thú chơi. Theo bà Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Quảng cáo và Truyền thông Bông Sen Việt Nam (Bongsen Media) - đơn vị sản xuất lịch hơn 20 năm nay, cuốn lịch đã trở thành một sản phẩm văn hóa, vừa để trang trí, vừa là cầu nối giới thiệu hình ảnh, nét văn hóa đặc sắc của đất nước, đồng thời cung cấp tri thức, quảng bá thương hiệu… Vì vậy, năm nay, các đơn vị sản xuất lịch đã đầu tư có chiều sâu về nội dung và thiết kế mỹ thuật để cung cấp cho thị trường những sản phẩm độc đáo, đa dạng, nhiều ý nghĩa.

Các bộ lịch năm nay của Bongsen Media liên kết với Nhà Xuất bản Văn học, Nhà Xuất bản Thanh niên thực hiện như: “Phố cổ”, “Tương lai Việt Nam”, “Khát vọng bay cao”, “Khơi nguồn thành công”… đều có sự kết hợp khéo léo giữa những hình ảnh, nét văn hóa truyền thống của người Việt với những thiết bị công nghệ hiện đại, để truyền đi thông điệp về một đất nước tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Năm 2020 là năm Hà Nội kỷ niệm 1010 năm Đức vua Lý Công Uẩn dời đô từ Ninh Bình về Thăng Long, vì thế nhiều nhà xuất bản đã tung ra các bộ lịch có nội dung giới thiệu giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu 1010 năm Thăng Long - Hà Nội để chào đón sự kiện này.

Thương hiệu “Lịch xuân Phương Nam” của Công ty cổ phần Thương mại, in Phương Nam đã khởi động sớm khi phối hợp với Hội Nhiếp ảnh thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi ảnh “Việt Nam nhìn từ trên cao: Tự hào biên cương” để tìm kiếm những tác phẩm ảnh đẹp về đất nước đưa vào bộ lịch năm mới. Kết quả, đơn vị đã liên kết với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà Xuất bản Hồng Đức cho ra mắt bộ lịch “Tinh hoa nước Việt” và “Việt Nam chân trời mới” với những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, rực rỡ của đất nước. Trên mỗi tờ lịch có thông tin về địa danh với những nét văn hóa, ẩm thực tinh hoa, đặc sắc…

Sử dụng nghệ thuật thư pháp, bộ lịch “Xuân về lòng đất đơm hoa” của Công ty cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books) lấy ý tưởng từ sự tiếp nối văn hóa của các thế hệ người Việt. Trong khi đó, tiếp nối ý tưởng, biến cuốn lịch thành một cuốn sách, Công ty TNHH An Hảo giới thiệu bộ lịch “Di sản thế giới” với hình ảnh, thông tin về 365 di sản tiêu biểu khắp năm châu, giúp người dùng thêm hiểu về văn hóa, địa danh mỗi vùng đất.

Cùng với các đơn vị sản xuất lịch chuyên nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân, tác giả văn học, nghệ thuật cũng kết hợp với các nhà xuất bản thực hiện những bộ lịch ý nghĩa. Tiêu biểu như bộ lịch “Trường Sa - Nơi ta đến” của tác giả Nguyễn Mỹ Trà vừa ra mắt. Một lượng lịch lớn sẽ dành tặng cho chiến sĩ Trường Sa, người dân vùng sâu, vùng xa và một phần bán gây quỹ ủng hộ con em cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo này.

Hiện nay, hầu hết các đơn vị sản xuất đều đầu tư công nghệ in ấn mới, các hình thức in dập nổi, cắt CNC tạo hình… để cho ra những sản phẩm lịch sắc nét, bền màu, chống ẩm… Đặc biệt, mùa lịch năm nay, nhiều đơn vị hạn chế sử dụng nguyên liệu nhựa, ni lông nhằm thiết thực bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Hà Quốc Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại, in Phương Nam cho biết, công ty đang hướng tới sử dụng mực in có nguồn gốc thực vật, thân thiện với môi trường trong các sản phẩm lịch.

Các cửa hàng bán lẻ đã bắt đầu bày bán lịch năm 2020. Ảnh: Thụy Du

Bám sát biến động thị trường

Trong khi các đơn vị xuất bản đã hoàn thiện thiết kế và đang vào cao điểm in ấn lịch, thì các kênh phân phối vẫn khá dè dặt. Thời điểm cuối tháng 10-2019 này, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại: Phố sách Hà Nội, phố Hàng Trống, Đinh Lễ và các nhà sách, chỉ một vài cửa hàng bày bán lịch 2020.

Theo ông Nguyễn Hà Quốc Anh, do năm nay các đơn vị in ấn lịch thống nhất tăng giá lịch từ 10% đến 15% so với năm trước, nên các đơn vị phân phối vẫn đang thăm dò nhu cầu người dùng, rồi mới nhập hàng. Nguyên nhân của việc tăng giá lịch là do giá giấy, vật tư đều tăng hơn năm trước.

Trên thị trường, giá của các mẫu lịch bloc tăng từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/bộ so với năm ngoái, có giá từ 170.000 đồng đến 350.000 đồng/bộ, tùy kích cỡ. Những mẫu lịch thiết kế đặc biệt, giấy couche cao cấp, khánh lịch bằng gỗ hoặc đá, hộp ép vân, nổi 3D, có giá từ 450.000 đồng đến 550.000 đồng/bộ. Lịch tuần treo tường giá khoảng 150.000-230.000 đồng/bộ. Lịch treo tường 7 tờ và lịch để bàn giá cũng tăng nhẹ, từ 40.000 đồng đến 70.000 đồng/bộ. Theo bà Đặng Thị Lý, chủ một cửa hàng sách báo ở phố Hàng Trống, giá lịch tăng khiến khách hàng đắn đo hơn.

“Người Hà Nội vẫn có thói quen “chơi lịch”, nên lịch bloc cực đại và siêu cực đại, có thiết kế nhã nhặn, hình ảnh về phố phường Hà Nội vẫn có nhiều người sẵn sàng mua. Tuy nhiên, thời điểm này khách hàng thường chỉ đi tham khảo mẫu mã. Từ giữa tháng 11-2019 trở đi, lượng tiêu thụ sẽ tốt hơn”, bà Đặng Thị Lý cho biết.

Hiện tại, các đơn vị sản xuất chỉ in theo đơn đặt hàng của các tổ chức, cá nhân và đơn vị phân phối. Họ thường xuyên liên lạc với đại lý để nắm bắt nhu cầu của khách hàng, những loại lịch nào bán tốt sẽ được tính toán để tái bản, tránh dư thừa, lãng phí.

Lịch của các cá nhân, đơn vị thực hiện với mục đích xã hội đang nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng. Chị Nguyễn Mỹ Trà, tác giả bộ lịch “Trường Sa - Nơi ta đến” cho biết, phần lớn lượng lịch đã được các cơ quan, tổ chức đặt hàng trước khi in. Để bảo đảm lượng đặt hàng, tác giả và Nhà Xuất bản Văn học đã phải tái bản lần thứ ba. Nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ và sau đó tặng lại lịch để đồng hành cùng tác giả đưa 1.000 cuốn lịch ra Trường Sa. “Cuốn lịch bây giờ trở thành cầu nối những tấm lòng hướng về biển, đảo, hướng về những người còn khó khăn...”, tác giả Nguyễn Mỹ Trà chia sẻ.

Dù kinh doanh hay mang ý nghĩa xã hội, thì mục tiêu của những người làm lịch là mong đóng góp và lan tỏa những thông điệp giá trị trong cuộc sống thông qua những cuốn lịch. Việc tính toán, cân đối nhu cầu, xu hướng sử dụng, vì thế cũng để tạo nên mùa lịch thành công, góp phần giữ gìn nét văn hóa đặc biệt của người Việt.

Lướt xem từng mẫu lịch bày tại phố Hàng Trống, ông Nguyễn Gia Đức (69 tuổi), ở phố Nguyễn Khắc Cần (quận Hoàn Kiếm) nhận xét, mẫu mã lịch năm nay đẹp, sang trọng, in rõ ràng, bắt mắt, nhất là lịch phong cảnh, phúc - lộc - thọ, các loại hoa. Ông Nguyễn Gia Đức cũng cho biết, ông sẽ chọn cuốn lịch bloc cực đại về các di sản thiên nhiên đất nước để trang trí cho ngôi nhà của mình trong năm mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa lịch 2020: Hướng đến nét văn hóa đặc sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.