Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú": Lắng nghe để điều chỉnh

Mai Hoa| 17/11/2019 08:05

(HNM) - Rất nhiều hạn chế, bất cập trong 5 năm thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" đã được chỉ ra. Tất cả những hạn chế, bất cập này đang được các nhà quản lý và chuyên môn nghiên cứu, tiếp thu góp ý của các chuyên gia, nghệ sĩ để sớm có sự điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.

Bất cập từ việc quy đổi giải "bạc" thành "vàng"...

Một trong những ưu điểm được Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu ra trong Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú là "Quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đã tính tới Huy chương bạc". Cụ thể, Khoản 4, Điều 9 về "Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú" quy định nghệ sĩ được xét cần "có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, hoặc 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia", kèm theo đó là hệ thống bảng phụ lục khá dài về việc quy đổi giải Vàng, giải Bạc trong nước và giải quốc tế của cá nhân hoặc tập thể sang giải Vàng, giải Bạc quốc gia. Tuy nhiên, đây chính là nội dung mà nhiều nghệ sĩ góp ý cần phải có sự điều chỉnh trong thời gian tới.

Nhiều vấn đề được đặt ra tại buổi tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Ảnh: Minh Thu

Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, việc quy đổi "số nhiều giải Bạc thành số ít giải Vàng" phần nào tạo sự thông thoáng, giúp các nghệ sĩ có cơ hội được phong tặng danh hiệu dễ dàng hơn, song cũng khiến giá trị danh hiệu ngày càng bị giảm. Có những vở diễn chỉ diễn trong duy nhất một hội diễn hoặc một cuộc thi, kiếm đủ huy chương theo quy định rồi ngừng diễn. Vở diễn ấy không đi vào công chúng, không tạo ra giá trị cống hiến cho đời sống xã hội, mà chỉ nhằm mục tiêu lấy huy chương để đáp ứng tiêu chí xét duyệt, rất bất cập.

Cùng quan điểm, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa nhấn mạnh: "Trong hoạt động nghệ thuật, giải Vàng và giải Bạc luôn có khoảng cách rõ ràng, không thể lấy "số nhiều giải Bạc để quy thành số ít giải Vàng". Như vậy, khác nào cổ vũ việc chạy theo số lượng huy chương, mà quên đi mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị nhân văn của tác phẩm nghệ thuật lên tầm cao nhất".

Còn Nghệ sĩ nhân dân, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì bày tỏ: "Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú phải là xuất chúng, không thể phong tặng danh hiệu theo kiểu cộng 2 Huy chương bạc thành 1 Huy chương vàng. Ngoài quy định về huy chương, chúng ta còn phải xét đến các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, sự tận tụy với nghề, tài năng nghệ thuật, có uy tín nghề nghiệp, có nhiều cống hiến, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ... 

Đến số lượng thành viên hội đồng đồng ý...

Không ít nghệ sĩ cho rằng, nên bỏ quy định xin ý kiến bằng phiếu đối với các thành viên hội đồng vắng mặt. Bởi, khi có mặt tại cuộc họp, các thành viên hội đồng sẽ lắng nghe đầy đủ các ý kiến nhận xét, đánh giá, thảo luận về từng trường hợp; qua đó, việc bỏ phiếu sẽ chính xác hơn. Về tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của tổng số thành viên các cấp hội đồng, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phùng Huy Cẩn đề xuất, hồ sơ xét tặng "chỉ cần được ít nhất 80% tổng số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp bỏ phiếu đồng ý", thay vì 90% như quy định trong Nghị định số 89/2014/NĐ-CP. Ông Phùng Huy Cẩn phân tích: "Con số 90% thực sự gây quá nhiều khó khăn, bởi với tỷ lệ như vậy, tại hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, chỉ cần 2 trong số 15 thành viên không đồng ý là không đủ điều kiện trình hội đồng cấp Nhà nước".

Còn theo Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nên giảm tiếp tỷ lệ đồng ý trong hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, bởi "ngay cả con số 80% vẫn quá cao".

Về tiêu chí thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ cho rằng, với những bộ môn nghệ thuật mang tính "truyền nghề" như chèo, cải lương, tuồng cổ..., nên bổ sung quy định tính thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ thời điểm cá nhân được tuyển dụng vào một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, thay vì tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp...

Liên quan đến những ý kiến trên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Minh Thái và Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng Phùng Huy Cẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sẽ sớm tổ chức thêm các hội thảo lấy ý kiến ở khu vực phía Nam, sau đó tập hợp các đề xuất để kiến nghị với Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP sao cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Kể từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú đến nay, đã có 2 đợt xét tặng được tổ chức. Cụ thể, ở đợt xét tặng lần thứ 8-2015, có 102 Nghệ sĩ ưu tú được Chủ tịch nước quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, 379 nghệ sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Ở đợt xét tặng lần thứ 9-2018, có 84 Nghệ sĩ ưu tú được Chủ tịch nước quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, 307 nghệ sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú": Lắng nghe để điều chỉnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.