Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý người nước ngoài xuất nhập cảnh: Rối từ sự thông thoáng

Hà Phong| 25/07/2013 06:13

(HNM) - Cùng với những điểm đến hấp dẫn, các quy định về xuất nhập cảnh ngày càng thông thoáng, đã giúp nhiều du khách nước ngoài lựa chọn Việt Nam là điểm đến.

Trung bình hằng năm, lượng người ngoại quốc nhập cảnh vào nước ta tăng 20-30%. Tuy nhiên, các quy định về xuất nhập cảnh cũng đang bộc lộ những kẽ hở cho đối tượng xấu có thể lợi dụng.

Công tác quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài đang bộc lộ nhiều kẽ hở. Ảnh: Linh Ngọc


Khách nước ngoài tăng nhanh

Trước đó, theo đề xuất của các bộ, ngành, Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này đã được xây dựng theo hướng đơn giản hóa cả về đối tượng, điều kiện nhập cảnh. Từ đơn giản hóa thủ tục hành chính, đã tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, tạo điều kiện thu hút nhiều hơn khách nước ngoài đến du lịch, kinh doanh và cư trú. Tính từ khi pháp lệnh được ban hành (ngày 1-8-2000) đến nay, lượng người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta tăng trung bình 20-30%/năm, nhiều nhất là khách Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore. Thành tựu từ thu hút đầu tư, du lịch lớn nhưng mặt trái của phát triển cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Từ năm 2000 đến nay, lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh đã phát hiện, xử lý 74.441 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. "Chiêu" của nhiều người nước ngoài vào nước ta lao động trái phép hiện nay là thông qua một số doanh nghiệp trong nước để xin thị thực nhập cảnh với mục đích thương mại (không nêu rõ xin vào lao động) nên được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài xét cấp thị thực từ 3 đến 6 tháng. Hết thời hạn tạm trú nêu trên, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở các địa phương không gia hạn vì chưa có giấy phép lao động thì họ đối phó bằng cách xuất cảnh, sau đó xin lại thị thực nhập cảnh. Trong khi đó, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam. Phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác quản lý xuất nhập cảnh còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Do đó, việc trao đổi thông tin danh sách đối tượng chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, thông báo hộ chiếu hết giá trị hoặc khôi phục giá trị của hộ chiếu của các cơ quan chức năng còn chậm và thiếu chi tiết, lại thiếu chế tài áp dụng, khiến lực lượng Bộ đội Biên phòng có lúc rơi vào cảnh "làm ruộng không trâu".

Thiếu chế tài xử lý

Theo Bộ CA, ngoài tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam lao động chui, còn không ít kẻ xấu đã trà trộn với khách du lịch vào nước ta để môi giới hôn nhân, mua bán dâm, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trốn thuế. Nguy hiểm ở chỗ các đối tượng hoạt động lưu động, không theo một quy luật nhất định nào và thường rút ngay sau khi gây án. Tại Hà Nội, lực lượng Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ CA đã triệt phá một đường dây tội phạm nước ngoài mang quốc tịch Malaysia, Trung Quốc sử dụng thẻ tín dụng giả để mua vàng, đồ trang sức đắt tiền, máy tính bảng tại các trung tâm thương mại, rồi đưa ra nước ngoài tiêu thụ. Khai thác mở rộng cho thấy nhóm tội phạm này đã gây ra hàng loạt vụ lừa đảo với thủ đoạn tương tự tại Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và chỉ đến khi tới Việt Nam mới bị phát hiện.

Tương tự, ở TP Hồ Chí Minh, từng xuất hiện người Trung Quốc giả nhà sư, lợi dụng sự mến khách của người Việt Nam để đi ăn xin; người Congo dùng giấy tờ giả để rút tiền ngân hàng. Một số khác không vi phạm pháp luật hình sự nhưng cũng không khai báo tạm trú, đi lại không mang theo hộ chiếu, thị thực. Công tác xử lý không đơn giản bởi ngôn ngữ bất đồng, đối tượng không chịu hợp tác, lại nhập cảnh theo visa ngắn hạn và không có cơ quan bảo lãnh để ràng buộc trách nhiệm. Với các đối tượng không có giấy tờ, không có tiền, không có nơi cư trú nhất định thì biện pháp xử lý rất khó. Lúc này, CA phải thông báo cho cơ quan ngoại giao nước đó, đề nghị cấp giấy tờ cho đương sự về nước - việc này có khi mất cả tháng trời.

Khu vực cửa khẩu có khó khăn khác. Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chiến - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, quy định của pháp luật về thời hạn tạm giữ người nước ngoài có vi phạm ngắn, trong khi đó nhiều đồn biên phòng cửa khẩu ở cách xa trụ sở của các cơ quan chức năng huyện, tỉnh; không có nơi tạm giữ hành chính, nên gặp nhiều khó khăn trong xử lý, giải quyết vụ việc...

Tại cuộc làm việc mới đây giữa Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội với các bộ, ngành về công tác quản lý đối với người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ CA cùng có chung đề xuất, cần sớm ban hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trên cơ sở kế thừa những vấn đề pháp lệnh đang phát huy tốt, tiếp thu, bổ sung đầy đủ những vấn đề thực tế đang đòi hỏi. Trong đó, cần quy định chặt chẽ việc xét duyệt cấp giấy tờ, thị thực; đưa việc nối mạng dữ liệu tạm trú với người nước ngoài tại các cơ sở kinh doanh lưu trú thành quy định bắt buộc khi đăng ký giấy phép kinh doanh. Đồng thời, nêu rõ trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trong công tác quản lý người nước ngoài để tạo sự thống nhất, đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý người nước ngoài xuất nhập cảnh: Rối từ sự thông thoáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.