Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người thợ điện vùng lũ

Mai Linh| 06/08/2018 13:34

(HNMO) - Chúng tôi đi qua những thôn xã ở vùng rốn lũ Chương Mỹ, tới đâu cũng in đậm màu áo xanh của các chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện, sắc màu da cam của người thợ điện… họ đã hỗ trợ người dân trong vùng lũ.

Công nhân Công ty Điện lực Chương Mỹ cấp điện trở lại cho các hộ dân thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ.


Trên các nẻo đường thôn quê, những chuyến hàng cứu trợ về những ngày qua, mang tình thương yêu, tấm lòng chia sẻ và tinh thần trách nhiệm của Đảng bộ thành phố, của các đoàn thể, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đến với đồng bào vùng rốn lũ Chương Mỹ. Những tấm lòng sẻ chia đến cảm động. 

Lưới điện và những người thợ điện Chương Mỹ vừa hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt kéo dài thì hoàn lưu cơn bão số 3 và dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng xoáy thấp lại đổ ập xuống Chương Mỹ với những trận mưa to và rất to, nước từ phía thượng nguồn lại đổ về khiến mực nước sông Bùi dâng cao nên chỉ sau 2 ngày, đồng ruộng và khu dân cư thị trấn Xuân Mai và các xã: Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Quảng Bị, Mỹ Lương, Hồng Phong đã ngập chìm trong nước. 

Ngay từ đầu năm, Công ty Điện lực Chương Mỹ đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với kịch bản có tính đến khả năng xảy ra sự cố nước tràn đê hữu Bùi và tả Bùi. Vì vậy, ngay trong ngày 20-7, ngày ngập lụt đầu tiên, đội xung kích tìm kiếm cứu nạn của Công ty gồm 29 thành viên đã bổ sung cho cơ sở để triển khai các giải pháp an toàn cho khách hàng sử dụng điện và giúp dân di chuyển đến nơi an toàn.

Toàn bộ nhân lực của Đội Quản lý sửa chữa đường dây và trạm biến áp 2, Đội Quản lý điện 1-2- 3 và 6, Đội xung kích tham gia xử lý và khắc phục sự cố khôi phục cấp điện được bố trí chia làm 4 chốt trực 24/24h tại trụ sở Đội Quản lý điện 2 và 6, thôn Yên Trình (xã Hoàng Văn Thụ) và thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến). 

Đội trưởng Đội Quản lý điện số 2 Đặng Xuân Tâm cho biết, Công ty Điện lực Chương Mỹ đã trang bị 60 đèn pin, 800 cây nến cho các hộ dân bị cắt điện; hỗ trợ 30 triệu đồng để mua vôi bột xử lý môi trường sau khi nước rút cho các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ; việc bảo đảm điện cho 16 trạm biến áp phục vụ bơm nước chống úng luôn được duy trì.

Trong quá trình cắt điện và khôi phục cấp điện luôn bố trí từ 30 đến 40 công nhân tuần canh để nước rút đến đâu khẩn trương cấp lại điện đến đó, không để người dân tự đóng, tự câu móc điện. Các nhóm trực sử dụng loa cầm tay tuyên truyền đến các hộ dân về việc đảm bảo an toàn trong sử dụng điện khi xảy ra ngập lụt. Khuyến cáo các hành vi mất an toàn có thể gây ra tai nạn điện nguy hiểm. Vì vậy, trong suốt 15 ngày qua, không có trường hợp mất an toàn về điện.

Tuyên truyền bằng nhiều hình thức để đảm bảo an toàn cho các hộ dân sử dụng điện trong mùa lũ


Hàng chục ngày vận hành lưới điện và thực hiện công tác dịch vụ khách hàng trong nước ngập, cực khổ trăm bề, nhưng những người thợ điện vẫn vui vẻ, vẫn tươi cười khi khách hàng cần sự giúp đỡ. 

Trong những ngày lũ lụt, đã xuất hiện nhiều thông tin chưa chuẩn xác, phiến diện, không đúng diễn biến tình hình. Đơn cử như thông tin cho rằng, do Thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến nước sông Bùi dâng cao, tràn qua đê gây ngập các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Thực tế không phải như vậy, bởi sông Bùi bắt nguồn từ vùng núi huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, có chiều dài khoảng 40 km. Sông Bùi đoạn đi qua địa phận Hà Nội, chảy qua huyện Chương Mỹ chia huyện này thành 2 vùng tả Bùi và hữu Bùi, sau đó đổ ra sông Đáy. Trong khi đó, nước từ hồ Hòa Bình sẽ chảy theo sông Đà, sau đó nhập vào sông Hồng rồi đổ ra biển qua 9 cửa sông. Điểm giao nhau của sông Đà và sông Bùi là sông Đào Nam Định (một nhánh rẽ từ sông Hồng) giao với sông Đáy (mà sông Bùi sẽ đổ ra) tại Độc Bộ (Nam Định). Khoảng cách từ điểm giao nhau này tới khu vực các xã đang ngập lụt tại Chương Mỹ vào khoảng 145 km, một khoảng cách quá xa để có thể tác động đến mực nước sông Bùi.

Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, những người công nhân điện đã đảm nhận thêm nhiệm vụ tuyên truyền để không làm ảnh hưởng đến tâm lý người dân, thông tin chính xác để người dân hiểu đúng bản chất tình hình, sự việc.

Lũ đến lũ sẽ đi. Bão đến bão sẽ tan. Ngày mai trên lớp phù sa mới người nông dân sẽ gieo cấy lên những mùa màng bội thu. Trên sự hoang tàn những xóm mới sẽ được dựng lại bằng tấm lòng thảo thơm, bằng sự sẻ chia “một miếng khi đói” và sự ấm cúng của từng nếp nhà có ánh sáng điện lung linh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người thợ điện vùng lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.