Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề phòng cháy, nổ kho xưởng

Tiến Thành| 24/11/2018 06:24

(HNM) - Với 80 vụ cháy xảy ra từ đầu năm đến nay, kho xưởng là loại công trình bị

Một vụ cháy nhà xưởng tại quận Hoàng Mai.


Ẩn họa khôn lường

Khoảng 14h40 ngày 11-11, dãy kho xưởng rộng gần 10.000m2 của Công ty cổ phần Du lịch thương mại và đầu tư ở ngách 15/51 Ngọc Hồi (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đã xảy ra cháy. Đám cháy lan rộng với diện tích khoảng 1.500m2, gây thiệt hại cho 8/25 đơn vị thuê mặt bằng làm kho chứa hàng, xưởng sản xuất. Trước đó, vụ cháy xưởng sản xuất bàn ghế sofa trong ngôi nhà 4 tầng, nằm ở khu biệt thự liền kề BT4-1, Khu đô thị Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) ngày 14-10 cũng khiến một người tử vong. Thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho thấy, kho xưởng là loại hình xảy ra cháy cao thứ hai và chiếm phần lớn thiệt hại về tài sản của các vụ cháy.

Theo Thiếu tá Phạm Hồng Sơn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an huyện Thanh Trì), cuối năm là thời điểm người kinh doanh tích trữ hàng hóa với số lượng lớn để phục vụ Tết. Vì vậy, chỉ cần một sơ suất nhỏ, lơ là trong sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt, sắp xếp hàng hóa không đúng quy cách… là có thể dẫn đến những sự cố cháy, nổ nghiêm trọng. Thiếu tá Phạm Hồng Sơn cho rằng, với diện tích các kho rộng, lượng hàng hóa lớn, khi xảy ra cháy rất dễ lan nhanh và khó kiểm soát. Điển hình như vụ cháy dãy kho xưởng của Công ty cổ phần Du lịch thương mại và đầu tư khiến lực lượng chức năng phải mất hơn 4 giờ đồng hồ mới dập tắt được ngọn lửa.

Còn theo Đại tá Tô Mạnh Thắng, Phó Trưởng công an quận Nam Từ Liêm, hiện nay nhiều cơ sở sản xuất thường thuê nhà chưa hoàn thiện để làm xưởng. Thậm chí, các xưởng sản xuất nhỏ lẻ này nằm ngay khu dân cư đông đúc như xưởng sản xuất bàn ghế sofa trong ngôi nhà 4 tầng, nằm ở khu biệt thự liền kề BT4-1, Khu đô thị Trung Văn. Tại các xưởng chỉ tạo vách ngăn tạm bợ, công nhân vừa ăn ở, đun nấu, hút thuốc, câu mắc điện một cách tùy tiện nên dễ gây cháy. Đến khi xảy ra cháy, ngọn lửa bùng phát rất nhanh, sản sinh nhiều khói, khí độc. Lực lượng chức năng rất khó tiếp cận hiện trường, nhất là với các xưởng nằm trong ngách nhỏ ở khu dân cư.

Giải pháp nào khắc phục?

Các kho, xưởng có nguy cơ mất an toàn một phần là do người chủ chưa quan tâm tới công tác phòng cháy, chữa cháy. Đại úy Đỗ Thái Sơn, Phó Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) cho biết, nhiều cơ sở còn tìm cách đối phó khi lực lượng chức năng kiểm tra. Theo quy định, trước khi xuống cơ sở kiểm tra, đơn vị phải gửi công văn trước 3 ngày. Do vậy, nhiều cơ sở có đủ thời gian để khắc phục việc phòng cháy, chữa cháy theo đúng quy định, nhưng sau khi đoàn kiểm tra rời đi thì lại tái phạm.

Lực lượng chữa cháy dập lửa, chống cháy lan một vụ cháy kho xưởng.


Để giải quyết tình trạng trên, Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, từ nay đến cuối năm 2018, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy bằng nhiều hình thức như: Kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất tại các kho hàng, xưởng sản xuất, nhất là các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao trong diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Qua đó, nhằm phát hiện những tồn tại, thiếu sót để có hình thức xử lý, đồng thời khuyến nghị các cơ sở có biện pháp khắc phục.

Việc nâng cao ý thức cho người lao động, trong đó đa phần là người ngoại tỉnh ở các kho hàng, xưởng sản xuất cũng được chú trọng. Đại úy Vũ Đức Hưng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đưa ra giải pháp là: Các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần làm tốt công tác đăng ký tạm trú, tạm vắng cho người lao động ngoại tỉnh, kết hợp với yêu cầu chủ các cơ sở kinh doanh tuyên truyền, hướng dẫn để người lao động biết và thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại nơi làm việc.

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy khuyến cáo, chủ các kho hàng, xưởng sản xuất phải tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ. Hàng hóa phải được phân loại, sắp xếp đúng quy định. Các cơ sở lắp đặt hệ thống điện phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và thường xuyên kiểm tra, bảo trì hệ thống này. Chủ động trong công tác phòng cháy sẽ hạn chế được thiệt hại về tài sản khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, nhất là trong thời gian cao điểm phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa Tết của người dân đang đến gần.

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong số hơn 8.200 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn TP Hà Nội, có gần 500 cơ sở là các kho, bãi hàng hóa và xưởng sản xuất.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề phòng cháy, nổ kho xưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.