Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp giấy phép và quản lý đội ngũ lái xe: Siết đào tạo và rõ trách nhiệm

Tuấn Lương| 25/01/2019 06:50

(HNM) - Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây lo lắng cho xã hội.

Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra thiết bị giám sát hành trình của xe kinh doanh vận tải. Ảnh: Tuấn Lương


Nhiều lái xe sử dụng rượu bia, ma túy

Vụ lái xe container đâm hàng chục xe máy đang dừng chờ đèn xanh tại huyện Bến Lức (tỉnh Long An) khiến 4 người chết, 16 người bị thương ngày 2-1-2019 đã gây chấn động và ám ảnh dư luận xã hội. Vụ việc chưa lắng xuống thì chiều 21-1-2019, trên tuyến quốc lộ 5 thuộc địa bàn huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương), một xe tải đã đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang khiến 8 người chết và nhiều người khác bị thương. Lái xe gây ra vụ tai nạn thảm khốc nói trên cũng dương tính với chất ma túy.

Trước đó, một vụ tai nạn khác cũng gây xôn xao dư luận xảy ra tối 28-12-2018 ở phố Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội) khi nữ lái xe bất ngờ đâm liên tiếp 2 ô tô và 7 xe máy. Vụ tai nạn khiến 6 người bị thương nặng, nhiều phương tiện hư hỏng. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, cơ quan công an đã kiểm tra và phát hiện nữ lái xe này vi phạm nồng độ cồn ở mức cao.

Còn rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng khác xảy ra thời gian qua cũng có nguyên nhân từ lỗi chủ quan của các lái xe. Thực tế đó khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng của công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe hiện nay.

Loại bỏ lái xe không bảo đảm sức khỏe

Một kỳ thi sát hạch lái xe tại Trung tâm Dạy nghề Sao Bắc Việt (Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền


Ngay sau khi xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu siết chặt công tác đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, say rượu, nghiện ma túy dẫn tới lái xe gây tai nạn chết người là hành vi cố tình coi thường tính mạng người khác. Do đó, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu hình thức thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe với những trường hợp này. Bên cạnh đó, phải tập trung xử lý trách nhiệm của cả doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp “khoán trắng” cho lái xe. Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải lưu hồ sơ của học viên để khi lái xe vi phạm sẽ có chứng cứ xử lý cơ sở đào tạo, cơ sở sát hạch và hội đồng sát hạch, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm.

Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe. Đáng chú ý, Bộ sẽ nghiên cứu thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô, giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe, thu hồi thẻ sát hạch viên, giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe với các tổ chức, cá nhân có hành vi tiêu cực và có thể cấm tham gia các hoạt động liên quan đến đào tạo, sát hạch lái xe tùy mức độ vi phạm... Đề án này được triển khai từ tháng 1-2019.

Theo ông Lê Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề - Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 2 (Hà Nội), việc học lái xe phải quy củ và khắt khe, bởi khi ngồi sau vô lăng là liên quan đến tính mạng của mình và nhiều người khác. Từ khi áp dụng quy định tăng độ khó của các bài thi, tỷ lệ học viên đỗ sát hạch tại trung tâm đã giảm 5-8%.

Đề cập tới nguy cơ mất an toàn từ việc lái xe lạm dụng các chất ma túy, chất gây nghiện, ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế Giao thông - Vận tải cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp đều kiểm tra sức khỏe lái xe và báo cáo kết quả về Sở Giao thông - Vận tải các địa phương, song không ít trường hợp chỉ là đối phó. Rất nhiều doanh nghiệp thực hiện kiểm tra sức khỏe với lái xe định kỳ 6 tháng 1 lần (theo Luật Lao động), trong đó có kiểm tra ma túy, nhưng vẫn phó mặc cho lái xe tự đi khám rồi mang kết quả về là xong. Do vậy, kết quả không phản ánh đúng thực trạng sức khỏe của lái xe. Từ thực tế nêu trên cho thấy, việc kiểm tra sức khỏe lái xe cần được thực hiện đột xuất, thực chất, nhằm loại bỏ lái xe nghiện ma túy và các chất kích thích khác.

Khẳng định quyết tâm xử lý nghiêm các vi phạm, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn trong thời gian từ ngày 9 đến 28-2 phải phối hợp với các cơ sở y tế có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế để khám sức khỏe cho lái xe, cùng với đó thực hiện và giám sát chặt xét nghiệm 4 loại chất kích thích gây nghiện dạng ma túy, gồm: Morphin/Heroin, Amphetamine, Methamphentamine, Marijuana (cần sa); chấm dứt hợp đồng với lái xe có kết quả không bảo đảm sức khỏe, đặc biệt là dương tính với 4 chất gây nghiện trên. Hiện đã có hàng chục đơn vị gửi báo cáo về sở, trong đó 2 đơn vị có lái xe không bảo đảm sức khỏe và có kết quả dương tính với chất ma túy. Không chỉ dừng ở đó, Sở cũng sẽ phối hợp với lực lượng chức năng liên quan lập chốt công tác liên ngành kiểm tra, thử nhanh các chất gây nghiện với lái xe chạy xe kinh doanh vận tải tại khu vực các cửa ngõ Thủ đô...

Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thực hiện nghiêm quy định về khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, trước hết là lái xe có khối lượng lớn, xe container (hoàn thành trong quý I-2019). Đó là nội dung mới nhất trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2018; nhiệm vụ năm 2019.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp giấy phép và quản lý đội ngũ lái xe: Siết đào tạo và rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.