Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám định tư pháp: Còn nhiều điểm nghẽn

Hà Phong| 04/06/2019 06:53

(HNM) - Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, giám định tư pháp được đặc biệt quan tâm nhằm giúp cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ các tình tiết của vụ án, chứng minh tội phạm, xác định giá trị thiệt hại chính xác, khách quan, đúng pháp luật.


5 năm triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp, các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Nhờ vậy, tổ chức, đội ngũ người làm giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển. Nhưng thực tế cũng cho thấy, công tác giám định tư pháp đã bộc lộ một số bất cập.

Hiện nay, quy định về thời hạn giám định, đánh giá thiệt hại còn chưa đầy đủ. Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến cho biết, ngoài một số loại việc có quy định thời hạn giám định trong pháp luật về tố tụng hình sự; nhiều loại việc khác, chủ yếu liên quan đến giám định phục vụ giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng chưa có quy định cụ thể dẫn đến một số vụ án kéo dài thời hạn tố tụng, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định và cá nhân, tổ chức thực hiện giám định còn chưa rõ ràng, thiếu chế tài bảo đảm thực thi theo yêu cầu... Điều này dẫn đến việc trong một số trường hợp, cơ quan trưng cầu chưa cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ vụ việc cho tổ chức giám định. Ở chiều ngược lại, cơ quan, tổ chức được trưng cầu thì từ chối, né tránh, đùn đẩy hoặc chậm trễ trong thực hiện giám định.

Đề cập chi tiết hơn, ông Nguyễn Đức Hùng, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chia sẻ, đơn vị ông đang thụ lý, theo dõi giám định 15 vụ án kinh tế, tham nhũng, trong đó có 10 vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng chỉ đạo. Tuy nhiên, do chưa có định nghĩa thế nào là thiệt hại, mới chỉ vận dụng quy định về tổn thất vật chất thực tế của Bộ luật Dân sự để đánh giá một phần thiệt hại, dẫn đến không ít vụ việc bị chậm tiến độ.

Khó khăn về thể chế, cộng với công việc vất vả, lĩnh vực giám định tư pháp rất khó thu hút cán bộ vào ngành. Đơn cử, Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an thành phố Hà Nội) có 2 giám định viên, mỗi năm phải giám định khoảng 400 vụ án, trong khi chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập, khiến việc tìm kiếm, bổ sung nhân sự khó khăn. Tương tự, lĩnh vực y tế, việc tuyển giám định viên rất khó thu hút bác sĩ giỏi.

Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến, để khắc phục những vấn đề đang đặt ra, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác giám định tư pháp, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, trong đó đề xuất bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, tăng cường tính chịu trách nhiệm, thời hạn giám định…

Theo đó, ngoài thời hạn giám định tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp khác trong hoạt động tố tụng tối đa là 3 tháng. Trong trường hợp vụ việc giám định có quy mô lớn, phức tạp về nội dung chuyên môn hoặc liên quan đến nhiều lĩnh vực, cơ quan khác nhau thì có thể gia hạn nhưng phải bảo đảm thời gian hoàn thành việc giám định phù hợp với thời hạn điều tra, truy tố, xét xử.

Tổ chức được trưng cầu giám định từ chối không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Cũng theo Bộ Tư pháp, để tránh chảy máu chất xám, ngân sách nhà nước phải bảo đảm chi phí giám định. Ngoài chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc, giám định viên tư pháp chuyên trách thuộc tổ chức giám định tư pháp công lập được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và các phụ cấp khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám định tư pháp: Còn nhiều điểm nghẽn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.