Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn clip xấu, độc trên mạng: Giải pháp nào hiệu quả?

Việt Nga| 16/06/2019 06:40

(HNM) - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện tại còn khoảng 55.000 clip có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam đang tồn tại trên YouTube, Google.

Người sử dụng mạng internet cần “ứng xử” có trách nhiệm khi phát hiện clip xấu, độc.


Dừng quảng cáo trong clip có nội dung xấu, độc

Cách đây chưa lâu, YouTube đã từng xóa kênh riêng của Khá "Bảnh" - tức Ngô Bá Khá và Dương Minh Tuyền - hai “giang hồ mạng” vì đưa clip có yếu tố cổ xúy bạo lực. Song, do không có biện pháp ngăn chặn, người dùng vẫn đăng lại những clip vi phạm. YouTube cũng để lọt các video dành cho trẻ em như "Elsa & Spiderman" nhưng lại có hình ảnh khiêu dâm; phim hoạt hình Happy Tree Friends (Những người bạn vui vẻ) có nội dung bạo lực; loạt phim hoạt hình Monster School (Lớp học quái vật) đầy rẫy cảnh đánh nhau, đâm chém...

Chưa hết, gần đây YouTube để tái diễn tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của các thương hiệu, nhãn hàng bị gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động. Dòng tiền quảng cáo của doanh nghiệp được Google chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động - vô hình trung tiếp tay các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam cũng như gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội. Vì vậy, ngày 10-6, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã gửi công văn yêu cầu 21 doanh nghiệp có sản phẩm dừng quảng cáo trong các clip có nội dung xấu, độc.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Trí Thông, Giám đốc Truyền thông của Công ty Điện tử Samsung Việt Nam (Savina) cho biết, Samsung Việt Nam đã dừng quảng cáo hai sản phẩm trên YouTube ngay sau khi có thông tin trên báo chí. "Là thương hiệu toàn cầu, đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, chúng tôi luôn xác định mọi hoạt động phải tuân thủ quy định của pháp luật nước sở tại, nên xảy ra sự cố này là điều không mong muốn. Tôi đã có trao đổi với lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử để bày tỏ quan điểm và thông báo giải pháp của Samsung Việt Nam, đồng thời có báo cáo bằng văn bản gửi Cục theo quy định" - Giám đốc Truyền thông Savina khẳng định.

Tập đoàn VNG cũng đã tạm dừng quảng cáo sản phẩm PUBG Mobile trên hệ thống của Google; yêu cầu Google không được hiển thị quảng cáo sản phẩm của VNG trên những kênh xấu độc; sẽ dừng quảng cáo toàn bộ sản phẩm nếu Google vẫn tái diễn vi phạm. Còn với FPT, mẫu quảng cáo bị gắn vào clip vi phạm là do nhãn hàng tự chạy quảng cáo có dẫn link về trang web FPT shop.

Xây dựng giải pháp tổng thể

Quảng cáo xuất hiện trong một clip có nội dung xấu, độc.


Rõ ràng, Google đang áp dụng cơ chế quản lý nội dung lỏng lẻo, bất cập. Không những thế, cả YouTube và Google lại cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp, mà không thông qua đại lý quảng cáo trong nước, vi phạm quy định của Luật Quảng cáo.

Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã xây dựng giải pháp tổng thể để loại bỏ các video, clip xấu độc. Cụ thể, Bộ yêu cầu YouTube, Google phải định danh các kênh YouTube tiếng Việt; chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật mới có thể chia sẻ tiền quảng cáo; bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ. Với các đại lý quảng cáo, cần chủ động rà soát, tuyệt đối không quảng cáo trong các clip YouTube có nội dung xấu độc, phản động...

Đối với người mua quảng cáo, không được mua quảng cáo trực tiếp với YouTube, Google và khi thực hiện quảng cáo phải yêu cầu đại lý quảng cáo không đăng phát quảng cáo nhãn hàng, thương hiệu của công ty mình trong các clip xấu độc. Bộ TT-TT sẽ lập danh sách các nhà sáng tạo nội dung (tác giả của video, clip) chuyên nghiệp kiếm tiền trên YouTube để quản lý; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm. Bộ TT-TT yêu cầu các công ty đại lý của YouTube, Google quản lý kênh tại Việt Nam báo cáo toàn diện về hoạt động hợp tác với YouTube.

Với người dùng mạng xã hội, Bộ khuyến cáo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm. Đó là trách nhiệm với nội dung đăng tải và bình luận trên mạng xã hội; trách nhiệm khi chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng; trách nhiệm đính chính thông tin mà mình chia sẻ sai và phản bác những thông tin sai sự thật.

"Phản hồi" là rất tích cực: Giám đốc Truyền thông Savina Nguyễn Trí Thông khẳng định, Samsung Việt Nam làm việc với YouTube, Google và các đại lý quảng cáo trong nước để tránh những nội dung không phù hợp, vi phạm pháp luật; đưa ra các quy định thắt chặt việc kiểm tra với sản phẩm quảng cáo của mình trên YouTube, Google.

Bà Nguyễn Bích Hạnh, Trưởng phòng Truyền thông FPT Shop cũng cho biết, sẽ áp dụng các giải pháp công nghệ ngăn chặn hiển thị tại những địa chỉ, video có nội dung không phù hợp khi thực hiện chiến dịch quảng cáo. Còn Tập đoàn VNG kiến nghị Bộ TT-TT kiên quyết yêu cầu YouTube, Google gỡ bỏ các kênh có nội dung xấu; cập nhật danh sách kênh xấu (hằng ngày, hằng tuần) công khai để doanh nghiệp biết nhằm loại trừ quảng cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn clip xấu, độc trên mạng: Giải pháp nào hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.