Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tội phạm người nước ngoài trên địa bàn Hà Nội: Quản lý chặt để phòng ngừa

Tiến Thành| 19/07/2019 06:40

(HNM) - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ trộm cắp, lừa đảo, tội phạm công nghệ cao, ma túy… liên quan đến người nước ngoài. Thực trạng trên đòi hỏi cần sớm có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa để thành phố không trở thành điểm hoạt động của tội phạm quốc tế, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho người dân trên địa bàn.

Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn làm thủ tục đăng ký lưu trú của người nước ngoài ở khách sạn.

Nhiều diễn biến phức tạp

Tháng 5-2019, Công an quận Thanh Xuân nhận được trình báo của một công dân ở phường Nhân Chính về việc bị trộm đột nhập vào nhà lấy đi nhiều tài sản và tiền trị giá hơn 540 triệu đồng. Sau đó, cơ quan công an xác định đối tượng gây án là Hu Jie (sinh năm 1979, quốc tịch Trung Quốc). Tuy nhiên, đối tượng này đã xuất cảnh. Đến ngày 26-5, Công an quận Thanh Xuân phối hợp với lực lượng chức năng thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã bắt giữ Hu Jie khi đối tượng vừa nhập cảnh trở lại vào Việt Nam.

Ngoài vụ việc trên, từ đầu năm 2019 đến nay, công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý hàng chục vụ móc túi, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng do người nước ngoài gây ra. Bên cạnh đó, nhiều vụ án do người nước ngoài, các tổ chức tội phạm ở nước ngoài điều hành, thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản với giá trị lớn cũng đã diễn ra trên địa bàn Thủ đô.

Về thủ đoạn của các đối tượng, Thượng tá Lê Huy, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, các đối tượng người nước ngoài đã sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua điện thoại, thuê người Việt Nam mở tài khoản ATM tại các ngân hàng và giao thẻ này cho các đối tượng sử dụng vào việc chuyển tiền, rút tiền chiếm đoạt. Các đường dây này còn mạo danh cán bộ của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, gọi điện thoại cho người bị hại để đe dọa tài sản mà họ đang có liên quan đến rửa tiền, mua bán ma túy, buôn lậu…, nhằm buộc nạn nhân phải chuyển tiền để giải quyết, điều tra, chạy án.

Không dừng lại ở đó, các đối tượng người nước ngoài đã chủ động lên mạng làm quen, tạo niềm tin với nhiều phụ nữ nhằm mục đích lừa đảo. Có thể kể đến vụ việc bà T.M.L. (sinh năm 1974, trú ở quận Thanh Xuân) bị đường dây do đối tượng Ezechiedo (sinh năm 1977, quốc tịch Nigeria) cầm đầu cùng 4 đối tượng người Việt Nam khác lừa đảo số tiền hơn 138 triệu đồng. Ngoài những vụ án này, theo Thượng tá Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng Tham mưu (Công an thành phố Hà Nội), trong nhiều vụ án về ma túy, “tín dụng đen”... cũng đã xuất hiện những yếu tố liên quan đến tội phạm nước ngoài.

Chia sẻ thêm về tình hình tội phạm người nước ngoài, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà (Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an) cho biết, trong các vụ án, thủ phạm thường đi theo nhóm hoặc có sự góp sức của các đối tượng là người Việt Nam thông thạo địa hình, am hiểu tình hình tại địa phương để trộm cắp tài sản.

Phòng ngừa từ cơ sở

Thượng tá Nguyễn Thành Long cho biết, việc xử lý vi phạm đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do họ thường có thái độ bất hợp tác. Nhiều trường hợp đối tượng vi phạm cố tình không xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc lợi dụng khác biệt ngôn ngữ để né tránh cơ quan chức năng. Cùng với đó, các chế tài về xử lý hành chính người nước ngoài trong thời gian qua như lập biên bản vi phạm, buộc xuất cảnh… chỉ mang tính tạm thời, không xử lý triệt để vấn đề.

Công an Hà Nội dẫn giải đối tượng phạm pháp người nước ngoài.

Trước những khó khăn trên, một số địa bàn tại Hà Nội đã có những cách làm chặt chẽ, hiệu quả để quản lý, ngăn chặn các hành vi phạm pháp liên quan đến người nước ngoài. Với mật độ người nước ngoài thường xuyên lưu trú lên tới hơn 2.000 người, công tác quản lý lĩnh vực này ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) được thực hiện một cách bài bản.

Trung tá Nguyễn Xuân Vượng, Trưởng Công an phường Trung Hòa cho biết, Công an đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền phường vận động, tuyên truyền cho các chủ nhà cho thuê, ban quản lý, ban quản trị chung cư có người nước ngoài sinh sống phối hợp làm thủ tục tạm trú cho những người đến lưu trú. “Do có sự quản lý nghiêm túc từ các cấp nên dù trên địa bàn có đông người nước ngoài cư trú nhưng phường Trung Hòa trong thời gian qua không xảy ra phạm pháp hình sự có yếu tố nước ngoài” - Trung tá Nguyễn Xuân Vượng nói.

Trên toàn thành phố, Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an thành phố khẳng định, thời gian qua, công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề, trong đó hướng tới mục đích chủ động nắm tình hình, xây dựng các phương án phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi phạm tội liên quan đến người nước ngoài. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự trên địa bàn nhằm rà soát, phát hiện các đối tượng người nước ngoài đang ẩn náu, trốn truy nã hoặc chờ cơ hội thực hiện hành vi phạm tội.

Để chủ động phòng ngừa, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo các cơ sở lưu trú, người cho thuê nhà cần nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp nhận khách là người nước ngoài. Cụ thể là cần làm các thủ tục lưu trú, đăng ký tạm trú theo đúng quy định để lực lượng công an nắm và có biện pháp quản lý, kịp thời phát hiện các đối tượng tội phạm. Cùng với đó, khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn cần thông báo cho lực lượng công an nơi gần nhất. Người dân và các cơ quan, doanh nghiệp cũng nâng cao cảnh giác, tránh để các đối tượng người nước ngoài lợi dụng sơ hở để trộm cắp, lừa đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tội phạm người nước ngoài trên địa bàn Hà Nội: Quản lý chặt để phòng ngừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.