Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhắn tin để “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”

Minh Ngọc| 30/07/2019 17:19

(HNMO) - Ngày 30-7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 phát động chương trình nhắn tin “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2019. Các tổ chức, cá nhân sử dụng điện thoại di động soạn tin nhắn với cú pháp: DA CAM gửi 1409 sẽ ủng hộ 20.0000 đồng cho nạn nhân chất độc da cam và gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, không hạn chế số lượng tin nhắn.

Các đại biểu tham dự chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2019 nhắn tin ủng hộ nạn nhân chất độc da cam.

Ngoài hình thức nhắn tin, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ trực tiếp bằng hiện vật hoặc tiền về địa chỉ của Trung ương Hội, số 35 đường hồ Mễ Trì, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hoặc về Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam theo số tài khoản: 0031101234005 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội, chi nhánh Thanh Xuân. 

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, cả nước hiện có hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam. Đa số nạn nhân và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cần sự hỗ trợ về nhiều mặt.

Cùng với các chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước và các địa phương, từ năm 2011 đến nay, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát động chương trình nhắn tin ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, thu về hơn 19 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền ủng hộ được các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin sử dụng để nuôi dưỡng, khám bệnh, cấp thuốc, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ học nghề, sửa chữa nhà ở… cho nạn nhân chất độc da cam.

Nhân dịp này, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khen thưởng một số tập thể, cá nhân có nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam; đồng thời ra mắt đại sứ chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2019.

Đại sứ năm nay là chị Vương Thị Quyên (30 tuổi), trú tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) - nạn nhân chất độc da cam/dioxin thế hệ thứ hai. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, nỗi đau bệnh tật, chị đã nỗ lực học tập, làm nghề để hòa nhập xã hội, trở thành điểm tựa cho nhiều người đồng cảnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhắn tin để “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.