Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cà Mau và nhiều tỉnh Tây Nam Bộ căng sức giữ đê biển Tây

Phương Nam| 05/08/2019 16:29

(HNMO) - Ngày 5-8, các lực lượng chức năng của tỉnh Cà Mau vẫn đang dồn sức người, sức của để gia cố tuyến đê biển Tây dài gần 50km đang bị uy hiếp nghiêm trọng do triều cường dâng cao bất thường và gió mùa Tây nam thổi mạnh trong mấy ngày qua.

 Dân quân tự vệ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, đang nỗ lực gia cố bờ kè cừ tràm cho đê biển Tây.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai ngày 5-8, do ảnh hưởng mưa, dông lốc và triều cường do gió mùa Tây Nam ở Nam Bộ, nhiều địa phương ven biển miền Tây đã phải hứng chịu những thiệt hại đáng kể.

Đáng chú ý là tình trạng sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau do nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3-0,4m, trong đó nghiêm trọng nhất là đoạn Ba Tĩnh - Kinh Mới dài 12,5km; đoạn kè Đá Bạc - Kinh Mới dài 356m bị sạt lở nghiêm trọng, với 2 điểm dài 7m sạt lở vào đến phần mặt đường bê tông.

Ngoài ra, có 4 điểm sạt lở với chiều dài 2.045m nằm trên tuyến đê từ Ba Tĩnh đến Tiểu Dừa và 1 điểm thuộc bờ Nam sông Đốc với chiều dài 86m bị sạt lở nguy hiểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã đến hiện trường, chỉ đạo các lực lượng chức năng: “Huy động tối đa lực lượng để bảo vệ những đoạn đê khẩn cấp nhất, nguy hiểm nhất, sau đó sẽ có những biện pháp cơ bản tiếp theo...".

Cũng trong ngày 5-8, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ cho tỉnh cơ chế xử lý khẩn cấp đối với các công trình xử lý sạt lở bờ biển, đê biển; đồng thời kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện các công trình khẩn cấp bảo vệ tuyến đê biển Tây, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Cà Mau có bờ biển dài 254km. Hiện nay, sạt lở đê biển mức độ nguy hiểm và rất nguy hiểm có tổng chiều dài 105km, cả ở khu vực đê biển Đông và đê biển Tây. Nếu xử lý càng chậm, mức độ nguy hiểm càng cao và tình hình sạt lở đê biển sẽ diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

Cũng theo số liệu từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 5-8, tại các tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, thiệt hại do dông, lốc và gió mùa Tây Nam mấy ngày qua làm 590 nhà bị sập, trôi và tốc mái; 377 cây ăn quả bị đổ. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển còn xảy ra tại Sóc Trăng.

Theo Đài khí tượng thủy văn, khu vực Nam Bộ trong những ngày tới, mưa vẫn còn duy trì và sẽ tập trung vào buổi chiều tối. Trong đó, mưa ở miền Đông Nam Bộ xảy ra nhiều hơn khu vực Tây Nam Bộ; cần đề phòng dông, lốc tố, gió giật mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau và nhiều tỉnh Tây Nam Bộ căng sức giữ đê biển Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.