Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ

Kim Nhuệ| 06/08/2019 06:46

(HNM) - Ngày 5-8, các tỉnh, thành phố tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện; trong đó, nhiệm vụ ưu tiên là tìm kiếm người mất tích, ổn định cuộc sống người dân, bảo vệ sản xuất sau cơn bão số 3.

Ưu tiên tìm kiếm người mất tích, ổn định cuộc sống

Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, tính đến 17h ngày 5-8, mưa lũ, sạt lở đất do bão số 3 gây ra tại các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã làm 10 người chết (Thanh Hóa 6, Bắc Kạn 1, Điện Biên 1, Lào Cai 1, Phú Thọ 1); 11 người mất tích (Thanh Hóa 10, Điện Biên 1); 2 người bị thương (Bắc Kạn).

Mưa lũ, sạt lở đất cũng làm 85 ngôi nhà bị sập (Thanh Hóa 69, Sơn La 16); 96 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng (Thanh Hóa 17, Quảng Ninh 16, Lạng Sơn 63); sạt lở 3.420m3 đất đá trên các tuyến giao thông tại các tỉnh: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Giang; gãy đổ 51 cột điện… Trong ngày 5-8, tỉnh Thanh Hóa còn 7 bản, thuộc 3 xã của huyện Quan Sơn bị nước lũ, sạt lở đất cô lập chia cắt...

Để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, ngày 5-8, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục điều động 2.460 cán bộ, chiến sĩ và 20 phương tiện đặc chủng giúp nhân dân vùng thiên tai. Trong ngày, các địa phương đã tìm thấy 4 thi thể, di dời 984 hộ dân bị ngập lụt đến nơi ở an toàn; đồng thời, sửa chữa, khắc phục các đoạn đường bị sạt lở, giúp nhân dân sửa sang nhà ở, ổn định cuộc sống… Tỉnh Thanh Hóa đã xuất cấp 2.860 thùng mì tôm, 39 thùng lương khô, 520 thùng nước uống cho huyện Quan Sơn. Hệ thống thông tin liên lạc vùng thiên tai đã bước đầu được khôi phục...

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nên trong đêm 5-8 và ngày 6-8, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An xảy ra mưa rào và dông rải rác; riêng khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có nơi mưa vừa, mưa to, lượng mưa 20-60mm.

Các tỉnh miền núi thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, nhất là các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa)… Khu vực thành phố Hà Nội, trong đêm 5-8 và ngày 6-8 có lúc có mưa rào và dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra gió giật mạnh; nhiệt độ cao nhất 32-34 độ C, thấp nhất 25-27 độ C…

Hà Nội tập trung chống úng bảo vệ 3.530ha lúa

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, từ ngày 31-7 đến 5-8, trên địa bàn thành phố đã xảy ra mưa lớn, tổng lượng mưa cao nhất tại huyện Ba Vì 236,6mm, quận Long Biên 257,5mm… Mưa lớn đã làm 3.530ha cây trồng (lúa, rau màu, cây ăn quả) bị ngập sâu; trong đó, huyện có nhiều diện tích bị ngập là Thường Tín với 935ha, Chương Mỹ 683ha, Hoài Đức 517ha, Thạch Thất 400ha, Mỹ Đức 324ha, Ba Vì với 234ha…

Cùng với đó, mưa lớn đã gây ra 4 sự cố sạt lở bãi sông, đê trên tuyến hữu Hồng, đoạn qua xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín), xã Văn Nhân (huyện Phú Xuyên), xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) và đê tả Đáy, đoạn xã Đồng Tiến, xã Đội Bình (huyện Ứng Hòa)… Các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Ba Vì, Ứng Hòa đã huy động lực lượng xử lý sự cố sạt lở ngay từ giờ đầu, cắm biển cảnh báo. Trong ngày 5-8, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức các đoàn kiểm tra sự cố sạt lở bờ sông, đê điều và úng ngập, chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện lệnh báo động lũ trên các sông: Tích, Bùi, Đáy…

Để tiêu úng nhanh, trong ngày 5-8, 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố tiếp tục vận hành 271 trạm, với 1.065 máy bơm các loại, tổng lưu lượng hơn 3 triệu mét khối/giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.