Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án đường sắt đô thị chậm, tăng vốn do chưa có kinh nghiệm

Hương Thủy| 15/08/2019 11:49

(HNMO) – Trả lời chất vấn của đại biểu về việc vay vốn nước ngoài, sử dụng vốn vay ODA đầu tư đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng dự án chậm, tăng vốn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay: "Đây là dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên Việt Nam thực hiện nên kinh nghiệm, năng lực của chúng ta từ tư vấn, quản lý chưa theo kịp và chưa đáp ứng được".

Sáng 15-8, tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã giải đáp thắc mắc của đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) về thời gian hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, ngay trong năm 2019, quy chuẩn về quy hoạch, nhà ở chung cư, phòng cháy chữa cháy sẽ được ban hành.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay, hiện ngành Xây dựng có 16 quy chuẩn và 1.200 tiêu chuẩn. Thời gian qua, hệ thống này đã phục vụ tốt cho hoạt động xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, hệ thống cũng bộc lộ nhiều bất cập cần sửa đổi. 

Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng. Theo lộ trình, đến năm 2021, sẽ sửa đổi, bổ sung những quy chuẩn, tiêu chuẩn cốt lõi nhất; những tiêu chuẩn, quy chuẩn còn lại sẽ được hoàn thành vào năm 2030.

Ngay trong năm 2019, Chính phủ sẽ ban hành 3 quy chuẩn rất quan trọng trong hoạt động đầu tư xây dựng là quy chuẩn về quy hoạch, nhà ở chung cư và phòng cháy, chữa cháy. 

Tâm lý ỷ lại khiến giải ngân đầu tư công chậm

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về việc một số dự án đầu tư công chậm được giải ngân, gây thất thoát, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc chậm giải ngân là do tâm lý ỷ lại khi luật cho phép giải ngân trong 2 năm, nên nhiều địa phương chưa quyết liệt trong việc giải ngân. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tái định cư được thực hiện rất chậm; tiếp đến là tâm lý đủng đỉnh đầu năm, cuối năm mới tập trung giải ngân. 

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập tổ công tác chuyên ngành đi nắm bắt tình hình thực tế và tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc, hướng dẫn thi hành pháp luật để thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn này. Qua kiểm tra cho thấy, vấn đề mới nổi lên là tâm lý e ngại, chậm thực hiện thủ tục theo quy định cũng tác động đến tốc độ giải ngân đầu tư công.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa trong việc giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, điều chuyển nguồn vốn từ những dự án chậm giải ngân sang những dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn, để bảo đảm hiệu quả dự án; không bố trí vốn trong những năm tiếp theo cho các dự án không có khả năng giải ngân. 

Dự án đường sắt đô thị chậm, tăng vốn do chưa có kinh nghiệm

Với chất vấn của đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) về việc vay vốn nước ngoài, sử dụng vốn vay ODA đầu tư đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng dự án chậm, tăng vốn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay: "Đây là dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên Việt Nam thực hiện nên kinh nghiệm, năng lực của chúng ta từ tư vấn, quản lý chưa theo kịp và chưa đáp ứng được".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Nguyên tắc sử dụng vốn ODA chủ yếu là thu hút công nghệ và kinh nghiệm của quốc tế nên các nhà thầu tư vấn của quốc tế lập dự án, các cơ quan của Việt Nam xem xét, thẩm định, phê duyệt. 

"Tuy nhiên, đây là dự án rất lớn và phức tạp, chúng ta không lường hết được quy mô và hạng mục của dự án nên buộc phải điều chỉnh lại", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, dự án đường sắt đô thị ở TP Hồ Chí Minh đã đủ các điều kiện để tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án đường sắt đô thị chậm, tăng vốn do chưa có kinh nghiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.