Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Những vấn đề đặt ra từ thực tế

Nguyên Hoa - Hữu Thu| 24/08/2019 06:35

(HNM) - Bên cạnh những đảng viên là quân nhân xuất ngũ đang phát huy khả năng, tính gương mẫu, góp phần tăng sức chiến đấu của tổ chức Đảng tại địa phương thì vẫn có đảng viên vì mải mê làm kinh tế, không sắp xếp được thời gian tham gia sinh hoạt Đảng hoặc sinh hoạt một cách chiếu lệ. Thậm chí có người không còn được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đây là những vấn đề đặt ra từ thực tiễn rất đáng được quan tâm...

Từ gánh nặng mưu sinh... 

Đảng viên bộ đội xuất ngũ đa số tuổi đời còn trẻ và là lao động chính trong gia đình. Thế nhưng có một thực tế là, không ít người xuất ngũ đã không tìm được việc làm trên chính quê hương mình… Vì cuộc sống, họ phải đi làm ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, công ty nước ngoài hoặc đi làm ăn xa. Thời gian làm việc nghiêm ngặt, thường xuyên phải tăng ca, làm thêm giờ, nên việc duy trì chế độ sinh hoạt Đảng rất khó khăn.

Phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho bộ đội xuất ngũ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Băng Châu

Anh Nguyễn Thế Anh (cụm 10, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) chia sẻ: “Xuất ngũ về địa phương, tôi vào làm tại một công ty tư nhân trên địa bàn quận Cầu Giấy. Hằng tháng tôi phải sắp xếp công việc về địa phương sinh hoạt chi bộ. Không có mặt ở địa phương thường xuyên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác”. Cũng ở hoàn cảnh xa quê đi làm ăn, anh Nguyễn Tài Lập (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) bày tỏ: “Tôi được kết nạp Đảng tại Sư đoàn 395, Quân khu 3 năm 2001. Về địa phương, tôi tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn Thụy Khuê. Tuy nhiên, do làm việc tại một công ty ở huyện Thạch Thất nên tôi phải viết đơn xin vắng mặt sinh hoạt Đảng”.

Thậm chí, còn có những trường hợp rất hy hữu. Đó là đảng viên Nguyễn Đức Tú (ở cụm 3, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) được bố trí làm Thôn đội trưởng. Thế nhưng, do là lao động chính trong một gia đình còn nhiều khó khăn, anh Tú đã xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc). Hay trường hợp của đảng viên Trần Đình Công (ở thôn Thanh Vân, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ), sau khi về địa phương, anh đã đi xuất khẩu lao động tại Singapore nên đã thôi sinh hoạt Đảng. Bí thư Đảng ủy xã Thanh Đa Nguyễn Doãn Xuân chia sẻ: “Vị trí việc làm có hạn nên địa phương không thể đáp ứng được hết nhu cầu công việc của các đảng viên sau xuất ngũ. Vì vậy, có một số đảng viên đã đi xuất khẩu lao động, dẫn đến phải thôi sinh hoạt Đảng”.

... Đến bất cập cần khắc phục

Đại tá Nguyễn Mạnh Ngời, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự quận Đống Đa cho biết: “Sắp xếp việc làm cho đảng viên bộ đội xuất ngũ đang là vấn đề nan giải của quận Đống Đa. Hầu hết họ đều phải tự lăn lộn tìm việc làm mà chưa có điều kiện được làm việc trong hệ thống chính trị ở địa phương”. Cũng về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự thị xã Sơn Tây thông tin: “Vào làm việc ở nhiều vị trí trong hệ thống chính trị cơ sở phải qua đào tạo, thi tuyển, đây là trở ngại lớn cho đảng viên bộ đội xuất ngũ. Từ năm 2016 đến 2018, thị xã Sơn Tây có 8 đảng viên xuất ngũ thì mới có 4 đảng viên được bố trí công tác tại các phường và tổ dân phố, số còn lại phải tự tìm việc làm”.

Một thực tế khác nữa là, số ít đảng viên không mặn mà với công việc nơi mình sinh sống do thu nhập không như mong muốn. Tổ phó tổ dân phố số 8 phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) Mạc Đình Hiến cho biết: “Chúng tôi thường chọn đối tượng đảng viên trẻ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương để tạo nguồn. Thế nhưng, khi đến vận động ai cũng từ chối vì lý do mới xuất ngũ, phải tập trung phát triển kinh tế”.

Khó khăn trong bố trí việc làm cho đảng viên bộ đội xuất ngũ có nguyện vọng công tác trong hệ thống chính trị cơ sở là tình trạng chung của hầu hết các địa phương trên địa bàn thành phố. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Kim (huyện Thạch Thất) Cấn Mạnh Cường, nguyên nhân chính là biên chế ngày càng co hẹp, bộ máy ở cơ sở đã ổn định. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nên số cán bộ công chức dôi dư nhiều, càng khó khăn hơn trong việc bố trí việc làm cho đảng viên là quân nhân xuất ngũ. Trước thực tế này, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã mở một hướng đi khác, đó là tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề thông qua chính sách hỗ trợ dạy nghề. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau khi học nghề, nhiều người vẫn không tìm được việc làm phù hợp.

Mặt khác, theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, gần 50% bộ đội xuất ngũ Thủ đô có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nên các trường nghề không đáp ứng được nguyện vọng của họ. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, với tỷ lệ thanh niên xuất ngũ có trình độ cao như hiện nay đòi hỏi hoạt động hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho họ phải có sự thay đổi. Tuy nhiên, việc thay đổi này không thể trong một sớm một chiều. Vì vậy, có những doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm cho bộ đội xuất ngũ với mong muốn tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng nhưng do cung - cầu lao động chưa gặp nhau nên doanh nghiệp tuyển được rất ít chỉ tiêu.

Từ thực tế nêu trên có thể thấy, để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực là những đảng viên bộ đội xuất ngũ phải có tư duy mới, cách làm mới bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những vấn đề đặt ra từ thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.