Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến nghị điều chỉnh dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) theo hướng bình đẳng giới

TTXVN| 12/09/2019 06:55

Ngày 11-9, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) dưới góc độ giới.

Kiến nghị điều chỉnh dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) theo hướng bình đẳng giới

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, thực tế cho thấy, nữ giới trong cùng ngành nghề, cùng trình độ học vấn và cùng khu vực địa lý đang có thu nhập thấp hơn so với nam giới. Một số điều tại Bộ luật Lao động hiện hành nhằm giải quyết khoảng cách giới là Điều 4 (Khoản 1) và Điều 3 (Khoản 9) còn thiếu định nghĩa về phân biệt đối xử và định nghĩa về giới, bình đẳng giới. Vì vậy, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần có điều khoản quy định việc thiết lập khung pháp lý bình đẳng để giải quyết khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ.

Theo ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc điều chỉnh đối với người lao động Việt Nam tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) còn hạn chế, chưa thực hiện được quyền bình đẳng công bằng theo hiến định, nhất là việc bảo đảm quyền bình đẳng trong học nghề, ốm đau, thai sản, thời gian làm việc, nghỉ ngơi của lao động nữ. Bên cạnh đó, phạm vi và đối tượng trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) loại bỏ đối tượng lao động không có quan hệ lao động là chưa tuân thủ Hiến pháp, Bộ luật này mới chỉ điều chỉnh 1/3 lực lượng lao động.

Bộ luật Lao động hiện hành có quy định về chế độ thai sản cho lao động nữ, trong đó quy định: Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra đề xuất quy định: “Nếu không có sự đồng ý của người lao động, người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”.

Về vấn đề này, các đại biểu cho rằng, việc nội dung mở rộng linh hoạt như vậy sẽ khiến người sử dụng lao động lách luật hoặc vẫn khiến phụ nữ mang thai thời kỳ cuối vì lương cao mà làm thêm giờ, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận vào một số nội dung trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) như: Vấn đề đào tạo nghề nghiệp và kỹ năng nghề, sự tham gia của lao động nữ trong thị trường lao động Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị điều chỉnh dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) theo hướng bình đẳng giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.