Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm nhẹ rủi ro thiên tai: Khắc phục ngay một số hạn chế

Bài, ảnh: Kim Nhuệ| 25/09/2019 07:25

(HNM) - Hiện các quận, huyện, thị xã đã chủ động triển khai phương án phòng, chống thiên tai theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và các quy định pháp luật liên quan. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần khắc phục ngay để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất khi xảy ra sự cố, thiên tai.

Đoạn đê bê tông tả Bùi (huyện Chương Mỹ) đang được hoàn thiện nhằm phòng chống lũ cho Hà Nội trong mùa mưa bão.

Phát sinh nhiều tồn tại, bất cập

Đê Mỹ Hà có chiều dài gần 13km nhằm chống lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về, bảo vệ gần 150.000 người dân và 10.906ha đất sản xuất nông nghiệp, dân sinh của các xã: Hợp Thanh, Hùng Tiến, An Tiến (huyện Mỹ Đức). Mặc dù giữ vai trò quan trọng trong phòng, chống thiên tai nhưng công tác xử lý sự cố sụt lún 20m đê sông Mỹ Hà, đoạn xã Hợp Thanh vẫn chưa hoàn thành. 

Không riêng ở huyện Mỹ Đức, suốt từ năm 2018 đến nay, 35 hộ dân ở thôn Chu Châu, xã Minh Châu (huyện Ba Vì) luôn trong tình trạng bất an vì sự cố sạt lở bờ hữu sông Hồng. “Chúng tôi rất mừng khi biết tin thành phố đầu tư kinh phí kè đoạn bờ sông. Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án đến nay là quá chậm…”, ông Nguyễn Quang Lai, người dân thôn Chu Châu, xã Minh Châu phản ánh…

Chia sẻ về một khó khăn khác trong công tác phòng, chống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng cho biết: Trên địa bàn quận hiện có 4 nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ B: C8 Giảng Võ, G6A Thành Công, nhà A Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp. Để bảo đảm an toàn cho các hộ dân trong mùa mưa bão, quận đã xây dựng phương án và bố trí đủ nhà tạm cư. Tuy nhiên, để cưỡng chế các hộ dân ra khỏi nhà nguy hiểm, quận lại không có thẩm quyền.

Ngoài ra, các quận: Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm… phản ánh, trên địa bàn hiện có nhiều cây xanh đã lâu năm nằm trong các khu dân cư. Theo phân cấp, quận quản lý những cây xanh này, nhưng hiện nay vẫn không được trang bị phương tiện chuyên dụng để cắt tỉa, giải tỏa...

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết: Sau khi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 của 30 quận, huyện, thị xã, cho thấy các địa phương đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND thành phố và các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số tồn tại liên quan đến xử lý điểm sạt lở đê điều; di dân ở nơi nguy hiểm đến nơi an toàn... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai còn rườm rà; một số quy định chưa cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong quản lý, xử lý vi phạm đê điều, phòng chống thiên tai...

Tập trung khắc phục hạn chế

Để chủ động ứng phó thiên tai, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết: Huyện đã chỉ đạo xã Hợp Thanh thống kê và xây dựng phương án di dời các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của sự cố sạt lở đê Mỹ Hà; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực bảo vệ đoạn đê bị sụt lún… Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu chống lũ, huyện Mỹ Đức đề nghị thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xử lý sự cố sụt lún đê Mỹ Hà…

Người dân xã Minh Châu (huyện Ba Vì) rất mong cơ quan chức năng sớm kè bờ sông Hồng để yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Tương tự, huyện Ba Vì đã yêu cầu xã Minh Châu thường xuyên theo dõi diễn biến sạt lở bờ sông Hồng; kịp thời di dời những hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng khi sự cố sạt lở ở mức nguy hiểm; đồng thời, yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện khẩn trương triển khai dự án ngay khi được cấp thẩm quyền phê duyệt. Huyện Ba Vì cũng đề nghị các cấp, ngành liên quan giảm thủ tục, rút ngắn thời gian thỏa thuận phương án kỹ thuật thi công xử lý sự cố đê điều trên tuyến hữu Hồng…

Theo lãnh đạo các quận: Ba Đình, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng…, trước mùa mưa bão, các địa phương đã yêu cầu các phường rà soát những chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm, xây dựng phương án riêng để kịp thời di dời hộ dân khi xuất hiện dấu hiệu sập đổ công trình… Các quận cũng đề nghị Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất UBND thành phố ủy quyền cho địa phương được cưỡng chế di dời các hộ dân ra khỏi chung cư nguy hiểm. Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội hỗ trợ các địa phương nhân lực, phương tiện cắt tỉa, giải tỏa cây xanh nhiều năm tuổi trong các khu dân cư…

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, các sở, ngành liên quan nghiên cứu ý kiến của các địa phương, khẩn trương tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, giải quyết bất cập phát sinh trong công tác phòng, chống thiên tai… Các sở, ngành, địa phương liên quan cũng cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công những công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm sát thực tế, phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả các sự cố...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nhẹ rủi ro thiên tai: Khắc phục ngay một số hạn chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.