Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lành mạnh hóa dịch vụ karaoke, vũ trường

Mai Thành - Miên Hạo| 13/10/2019 07:13

(HNM) - Là loại hình kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, những năm qua, dịch vụ karaoke, vũ trường luôn tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý do thiếu cơ chế, chế tài đủ mạnh. Sự ra đời của Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày 19-6-2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường hứa hẹn mang đến những chuyển động tích cực, lành mạnh hóa dịch vụ này.

Lực lượng liên ngành quận Thanh Xuân kiểm tra điều kiện an ninh trật tự, biển hiệu của một cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động trên địa bàn.

Vẫn còn nhiều vi phạm

Nghị định 54/2019/NĐ-CP với những điều khoản gắn trách nhiệm, siết điều kiện kinh doanh đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9-2019. Qua hơn một tháng nghị định đi vào cuộc sống, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, những chuyển động trong công tác này chưa thực sự rõ nét, vẫn còn không ít vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

Dễ thấy nhất là tình trạng kinh doanh quá giờ quy định. Không ít cơ sở karaoke, vũ trường sau 24h vẫn hoạt động. Có thể kể đến quán karaoke Cây Sung (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy); các cơ sở kinh doanh karaoke “X Men” và “My” ở đường Trâu Quỳ, thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm)... thường xuyên không tuân thủ quy định về giờ giấc. Bà Nguyễn Thị Hà, người dân sống tại ngõ 215, đường Trâu Quỳ cho biết: "Còn khách là các cơ sở kinh doanh karaoke còn hoạt động. Để che mắt cơ quan chức năng, họ thường giảm đèn, đóng kín cửa, nhưng vẫn bố trí người túc trực bên ngoài chờ đón khách".

Tình trạng tương tự xuất hiện ở rất nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố, gây không ít phiền toái cho người dân sinh sống quanh khu vực cũng như tiềm ẩn nguy cơ về tệ nạn xã hội. Theo Thượng tá Đặng Việt Quảng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội, nhiều cơ sở cố tình lách luật, dẫn đến mất an ninh trật tự trên địa bàn. “Rạng sáng 16-9, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại quán karaoke “Cường Đô La” ở xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, phát hiện 2 phòng hát vẫn hoạt động và có 14 đối tượng đang tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy”, Thượng tá Đặng Việt Quảng dẫn chứng.

Còn theo Đại úy Trần Thái Hòa, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Ba Đình, do lợi nhuận cao nên nhiều cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường áp dụng rất nhiều chiêu thức qua mặt cơ quan chức năng, bỏ qua trách nhiệm trong quản lý dịch vụ, để khách hàng sử dụng chất cấm.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh còn thiếu các điều kiện cơ bản để được hoạt động, như: Diện tích (phòng hát, phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng tối thiểu lần lượt là 20m2 và 80m2, không kể công trình phụ), thiếu cầu thang thoát hiểm cùng các phương tiện phòng cháy, chữa cháy… Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Nguyễn Hữu Hồng cho biết, do hầu hết được cải tạo từ nhà ở, nên các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn huyện khó bảo đảm về diện tích cũng như các điều kiện khác. Trong khi đó, kinh phí để khắc phục lại khá tốn kém, nên không ít cơ sở chây ỳ.

Tăng cường tuyên truyền và kiểm tra, xử lý

Sau khi Nghị định 54/2019/NĐ-CP được ban hành, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai, thực hiện. Theo ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban, ngành tổ chức kiểm tra, xử lý các cơ sở không bảo đảm điều kiện kinh doanh.

Là một trong những địa phương đầu tiên của thành phố thực hiện việc phổ biến nội dung Nghị định 54/2019/NĐ-CP tới các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa Nguyễn Trọng Hải thông tin, quận sẽ dành thời gian từ nay đến cuối năm 2019 cho các cơ sở rà soát, chấn chỉnh, bổ sung các điều kiện còn thiếu hoặc chưa đúng. Sau thời gian này, đoàn kiểm tra liên ngành của quận sẽ tổ chức kiểm tra, xử lý những tồn tại, trong đó có áp dụng quy định tạm dừng hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh, nếu các cơ sở không bảo đảm điều kiện hoạt động.

Lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại một quán karaoke.

Công an thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải tham mưu với chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở thuộc diện quản lý trong Nghị định 54/2019/NĐ-CP. Thượng tá Ngô Duy Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã tổ chức điều tra cơ bản, thiết lập, củng cố hồ sơ quản lý theo quy định, xác định rõ những cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường vi phạm để từ đó xử lý theo quy định của pháp luật, kiên quyết không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng hoặc hình thành các tụ điểm phức tạp về an ninh, trật tự.

“Đơn vị sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về điều kiện an ninh, trật tự đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chấp hành chế độ thông tin, báo cáo với cơ quan công an sở tại theo quy định của pháp luật. Đồng thời, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm, góp phần làm lành mạnh hóa hình thức sinh hoạt văn hóa có ích, nhưng cũng không ít nhạy cảm này”, Thượng tá Ngô Duy Thắng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lành mạnh hóa dịch vụ karaoke, vũ trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.