Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Siết chặt quản lý, xử lý nghiêm vi phạm

Kim Vũ| 07/11/2019 07:26

(HNM) - Những năm gần đây, việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài không ngừng phát triển khi Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác với hơn 20 quốc gia. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang có nhiều tồn tại bởi những "con sâu làm rầu nồi canh" như những gì xảy ra thời gian qua, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của các cấp, ngành chức năng để siết chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm minh những vi phạm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Công nhân Việt Nam làm việc tại một nhà máy sản xuất máy tính xách tay ở Kobe, phía Tây Nhật Bản. Ảnh: Nguồn EPA

Đi lao động nước ngoài trái phép - nhiều hệ quả

Hiện nay, có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân thu về xấp xỉ 3 tỷ USD/năm. 5 năm gần đây, mỗi năm có trung bình trên 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Riêng năm 2018 là gần 150.000 người và 10 tháng của năm 2019 là 120.000 người.

Bên cạnh những đơn vị đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng theo luật định, thì có không ít doanh nghiệp thực hiện trái phép thông qua hình thức du học, visa du lịch, môi giới. Gần đây nhất, ngày 28-6-2019, tại Hà Nội, Công an quận Đống Đa đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Luận về hành vi làm giả giấy tờ để lừa đảo 31 người đi lao động tại Mỹ trong 5 năm, nộp 23,4 triệu đồng/người.

Ngày 26-10-2019, Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhóm đối tượng do Lê Duy Anh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo tư vấn du học Chấn Hưng (trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu, nhận hơn 400 hồ sơ và hàng trăm nghìn USD để làm thủ tục cho lao động sang Australia làm việc...

Là một trong những nạn nhân, chị Hoàng Thị A. (xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) kể: "Cuối năm 2018, chị và 3 người cùng quê nộp tiền mỗi người 110 triệu đồng cho một người tên Tâm, làm việc ở Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam (quận Hoàng Mai) để làm thủ tục đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng từ đó ông Tâm bặt vô âm tín. Chúng tôi tìm đến trụ sở công ty thì cửa đóng then cài, đến nhà thì vợ ông Tâm trả lời không biết".

Theo ông Nguyễn Đức Vỹ, Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), hiện trong số 397 doanh nghiệp của cả nước được cấp phép đưa lao động đi nước ngoài làm việc, thì Hà Nội có 246 đơn vị. Tuy nhiên, thực tế số doanh nghiệp đăng thông báo tuyển dụng đi làm việc tại nước ngoài thông qua phát tờ rơi, đăng trên mạng internet... có đến hàng nghìn đơn vị. Vì vậy, có nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh "tiền mất, tật mang" hoặc đi trót lọt thì phải gánh chịu nhiều hệ quả như bị phạt tiền, trục xuất, thành nạn nhân của tình trạng buôn bán người...

Đề xuất tăng mức xử phạt

Đánh giá những tồn tại nêu trên, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, do nhiều lao động nhẹ dạ, tiếp nhận thông tin không chính thống nên bị đóng phí cao, thậm chí bị lừa hàng trăm triệu đồng. Cục đã liên tục khuyến cáo, đề nghị các địa phương cảnh báo cho công dân các rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài bằng visa du lịch, du học rồi ở lại làm việc bất hợp pháp.

Đồng thời, đề nghị các sở LĐ-TB&XH tăng cường thanh kiểm tra, rà soát, phát hiện các tổ chức, cá nhân không có chức năng nhưng lại môi giới, tuyển chọn, tổ chức đưa người đi lao động nước ngoài trái phép để chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Nhấn mạnh tầm quan trọng khi tìm hiểu thông tin các nước phái cử, bà Trần Vân Hà, Trưởng phòng Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: "Thực tế, tại thị trường châu Âu, hiện chỉ có 10 quốc gia là: Rumani, Ba Lan, Cộng hòa Síp, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ, Litva, Liên bang Nga, Hungary, Bungaria, Belarus tuyển lao động Việt Nam. Thị trường Nhật Bản rất khắt khe nên người lao động có thể bị trục xuất về nước bất cứ lúc nào. Với Hàn Quốc, lao động không thể chuyển đổi visa này sang loại hình visa khác như lời dụ dỗ của môi giới...".

Trong khi đó, theo Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) Nguyễn Đức Vỹ, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã thường xuyên gửi văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Sở cũng đề xuất Bộ LĐ-TB&XH sớm nghiên cứu, triển khai hệ thống phần mềm liên thông trong quản lý doanh nghiệp trên cả nước để cập nhật thông tin quản lý, tránh bỏ sót, xử lý không triệt để.

Ông Nguyễn Gia Liêm cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất Chính phủ tăng mức xử phạt cao nhất lên tới 200 triệu đồng đối với đơn vị đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vi phạm quy định; phạt đến 100 triệu đồng, buộc về nước, cấm đi làm việc tiếp từ 2 đến 5 năm với lao động ở lại nước ngoài trái phép, bỏ trốn. Bộ cũng triển khai đánh giá và dự thảo văn bản sửa đổi, bổ sung Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2020.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, người lao động cần cẩn trọng lựa chọn đơn vị được cấp phép và quốc gia phái cử chính thức tuyển lao động Việt Nam, đó mới là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Siết chặt quản lý, xử lý nghiêm vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.