Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lười học tập lý luận chính trị và nghị quyết, “chẳng khác nào nhắm mắt đi đêm”

Theo THIỆN VĂN/QĐND| 10/10/2018 08:50

Học tập nói chung, học tập lý luận chính trị nói riêng không chỉ là quyền lợi, mà còn là bổn phận, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Nhất là trong tình hình hiện nay, việc học tập lý luận chính trị càng trở nên cần thiết.


Những năm qua, nhận thức đúng đắn vai trò của lý luận chính trị, phần lớn CB, ĐV đã chú trọng tìm hiểu, học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng nhằm nâng cao tri thức lý luận, thế giới quan khoa học và phương pháp luận đúng đắn.

Hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng đã duy trì nghiêm túc chế độ học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, cập nhật những thông tin lý luận mới cho CB, ĐV. Việc quán triệt, phổ biến, học tập các nghị quyết của Đảng ở nhiều nơi được đổi mới cả về hình thức, phương pháp truyền đạt, giảng giải, tạo sự hứng thú hơn đối với người học, người nghe.

Phải khẳng định rằng, nhờ được tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, nên đại đa số CB, ĐV luôn giữ vững lý tưởng, niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN).


Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, nghiêm túc, việc học tập lý luận chính trị của một bộ phận CB, ĐV thời gian qua còn có nhiều bất cập, hạn chế. Đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ ra: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Biểu hiện lười học tập chính trị của CB, ĐV thông qua một số triệu chứng cụ thể như: Chỉ quan tâm học tập nghị quyết, lý luận chính trị khi chuẩn bị được kết nạp Đảng, chuẩn bị được giới thiệu quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ mới, chứ không coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, là nhu cầu tự thân của bản thân; khi cơ quan, đơn vị tổ chức học tập chính trị, nghị quyết thì tìm cách né tránh, viện lý do “này nọ” để không tham gia, hoặc nếu đi học thì tâm lý không thoải mái, đến lớp học theo kiểu “đánh trống ghi tên” cho đủ quân số, không chú ý lắng nghe, không tiếp thu bài giảng, tự ý làm việc riêng.

Do thái độ học tập thiếu nghiêm túc, nên không hiểu bài và khi viết thu hoạch thì chép gần như y nguyên nghị quyết, hay sao chép bài viết của người khác. Có một số đảng viên đi học nghị quyết, học lý luận chính trị chỉ cốt “lấy lệ”, lấy “chứng chỉ” nhằm “tô son” cho lý lịch cá nhân, thậm chí có trường hợp học xong thì “chữ thầy trả lại thầy”!

Có một thực tế rất đáng suy ngẫm là một số CB, ĐV (nhất là người trẻ) hằng ngày chỉ thích lướt “web”, chịu khó mày mò tìm kiếm các thông tin giật gân, câu khách trên các trang báo điện tử, say sưa sống “ảo” trên facebook, nhưng chẳng mấy khi cầm đọc một tờ báo, tạp chí của Đảng hay đọc những cuốn sách, tài liệu về khoa học lý luận chính trị và khoa học xã hội và nhân văn.

Cá biệt, có những đảng viên nhiều năm đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng do lười học, lười suy nghĩ, lười cập nhật kiến thức nên nắm rất lơ mơ, thậm chí không hiểu biết cơ cấu tổ chức của Đảng, không phân biệt được vị trí, vai trò các cơ quan lãnh đạo của Đảng, không hiểu thế nào là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức…

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do một bộ phận CB, ĐV nhận thức chưa đúng đắn, thậm chí có biểu hiện xem thường việc học tập lý luận chính trị; đánh giá chưa đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của các môn lý luận chính trị nói chung, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng nói riêng.

Bên cạnh đó cũng do một phần cách thức tổ chức học tập nghị quyết, lý luận chính trị ở một số nơi chậm đổi mới; phương pháp truyền đạt, giảng giải của cán bộ, giảng viên chưa hấp dẫn. Việc tổ chức lớp học nghị quyết thường đông quân số (nhất là ở cơ sở), lại diễn ra trong thời gian ngắn, trong khi người học thiếu tài liệu tham khảo, nghiên cứu, cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả việc học tập nghị quyết của CB, ĐV.

Nếu không học lý luận và nghị quyết của Đảng, sẽ “lúng túng, vấp váp, hỏng việc”


Theo quy định của Điều lệ Đảng, đảng viên không chỉ có nhiệm vụ tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; mà còn có trách nhiệm tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng.

Muốn hoàn thành những nhiệm vụ đó, nhất thiết đảng viên phải có những kiến thức, hiểu biết cơ bản về lịch sử, truyền thống của Đảng Cộng sản Việt Nam; đường lối cách mạng, đường lối về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của Đảng; cũng như các văn bản, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Các văn kiện đại hội và nghị quyết của Đảng đều là những công trình khoa học tập thể, hội tụ trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và đã được chắt lọc, tập hợp từ rất nhiều ý kiến tâm huyết của các tầng lớp nhân dân. Đối với các luật, bộ luật cũng trải qua quy trình chuẩn bị, góp ý, thảo luận, thẩm tra chặt chẽ của các cơ quan chức năng và được thông qua bởi cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước là Quốc hội.

Do vậy, việc nắm vững những vấn đề cơ bản về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là cơ sở bảo đảm để CB, ĐV nói và làm theo đúng quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước. Học và làm đúng chính sách, nghị quyết của Đảng, như Bác Hồ khẳng định, cũng là một cách thực hành đạo đức cách mạng của CB, ĐV.

Cần nhận thức rằng, lý luận chính trị ở nước ta không phải là những kiến thức kinh viện, khô khan, trừu tượng, xa rời cuộc sống, mà đó là hệ thống tri thức khoa học, cách mạng về chính trị-xã hội, là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và thực tiễn chính trị của nhiều chuyên gia, chính khách, nhà khoa học và đã được sàng lọc, bổ sung, phát triển qua nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ lịch sử.

Hệ thống tri thức lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ dựa trên nền tảng tư tưởng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn tiếp thu những tinh hoa tri thức của nhân loại và kế thừa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; đồng thời luôn có sự cập nhật kiến thức mới của thời đại, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ và đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Cách đây 62 năm, trong buổi nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 21-7-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các học viên: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để theo kịp nhân dân”.

Nói về vai trò của lý luận, Bác Hồ từng ví đó như “trí khôn của con người”. Sinh thời, Bác đã nhiều lần nhắc nhở, phê bình những CB, ĐV kém lý luận, khinh lý luận, lý luận suông; đồng thời cảnh báo những đảng viên lười học lý luận, lười học nghị quyết của Đảng, lười đọc sách báo của Đảng thì “chẳng khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc”.

Phát biểu tại buổi khai mạc lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII tổ chức tại Hà Nội ngày 14-8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở CB, ĐV: “Có rất nhiều cái phải học và cũng có rất nhiều cách để học: Học ở trường, ở lớp; học trong cuộc sống, học trong công tác; học ở trong nước, ở ngoài nước; học thầy, học bạn; học lẫn nhau; tự nghiên cứu, tự học... Nếu không học thì sẽ lạc hậu, mà lạc hậu sẽ dẫn đến thoái bộ. Bởi vì thực tiễn luôn luôn vận động; lý luận không ngừng phát triển; đời người là hữu hạn, sự hiểu biết là khôn cùng”.

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, không ai phủ nhận ưu thế và sức mạnh của các phương tiện nghe nhìn hiện đại trong việc truyền bá tri thức nói chung, cung cấp thông tin nói riêng, nhưng việc học tập, nghiên cứu các môn học lý luận chính trị, Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cũng như các môn khoa học xã hội và nhân văn, vẫn có ý nghĩa, tác dụng rất lớn trong việc góp phần trau dồi bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng, nâng cao kiến thức, bồi dưỡng lý tưởng, tình cảm, niềm tin lành mạnh, tích cực cho đội ngũ CB, ĐV.

Vì vậy, nếu CB, ĐV nào đó vẫn thờ ơ, chểnh mảng, hay có nhận thức không đầy đủ, sâu sắc về việc học tập lý luận chính trị, nghị quyết của Đảng là đang tự kìm hãm nhận thức, trí tuệ của bản thân, tự làm “tụt hậu” chính mình và do đó, không đủ tư cách là người dẫn dắt, định hướng, lãnh đạo quần chúng nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lười học tập lý luận chính trị và nghị quyết, “chẳng khác nào nhắm mắt đi đêm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.