Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cái vỏ ốc và tầm nhìn phản biện

Theo PHAN TÙNG SƠN/QĐND| 25/07/2019 09:01

Sự bùng phát mạnh mẽ của truyền thông và mạng xã hội (MXH) giúp mỗi cán bộ, đảng viên và người dân có những kênh tiếp nhận thông tin đa chiều và bày tỏ chính kiến, thái độ phản biện.

Tuy nhiên, trong “xa lộ thông tin” đầy biến động ấy, không ít cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong xã hội… bị cuốn theo những vấn đề “nóng”, những vụ việc gay cấn, giật gân. Mỗi hành động phát ngôn, nhấn nút “like” (thích), bình luận, chia sẻ… vô hình trung góp thêm tác nhân gây “bão” thông tin, khiến đời sống xã hội có những phân khúc rối ren, phức tạp. Khi chúng ta bị cuốn theo nó, chính là lúc chúng ta để hổng vị trí của mình, coi nhẹ chức trách, nhiệm vụ của chính mình.

Hội chứng đám đông và thái độ của đảng viên

Khu phố nơi tôi sinh sống có nhiều cán bộ hưu trí, đảng viên, công chức, giới trí thức… Đã thành thói quen, cứ vào dịp cuối tuần mọi người lại tề tựu hàn huyên. Đề tài được bàn luận sôi nổi (nhiều lúc gay gắt) là những chuyện thời sự nóng bỏng của thế giới, khu vực, trong nước và những vụ việc tiêu cực trong đời sống xã hội, được truyền thông và MXH thông tin. Ngay cả khi sinh hoạt tổ đảng, họp tổ dân phố, tham gia hoạt động tiếp xúc cử tri… các vấn đề “nóng” do truyền thông, MXH thông tin cũng được đem ra mổ xẻ, tốn rất nhiều thời gian.

Một lần, ông giáo già cảm thán: “Khu phố mình còn rất nhiều việc cần bàn, cần phải chung tay giải quyết. Quan tâm bàn luận đến những vấn đề to tát ở nơi khác là cần thiết, nhưng trước hết, chúng ta nên bàn chuyện của mình, giải quyết việc của mình trước đã. Ngó lơ việc nhà mình, đi bàn chuyện thiên hạ, kết quả chúng ta chỉ là những người “chém gió” chứ giải quyết được vấn đề gì?”.

Lời góp ý thẳng thắn của ông giáo được nhiều người đồng tình. Một số cán bộ hưu trí cũng cho rằng, một trong những thói quen của không ít cán bộ, đảng viên ở cơ sở là đi theo trào lưu, hội chứng đám đông.

Dù biết, ở cương vị của mình không nên và không thể can thiệp được, cũng không đủ thông tin, lý lẽ để phản biện, nhưng một khi đã bị cuốn theo “bão” thông tin thì rất dễ biến bản thân thành những “người hùng” ảo. Có nhiều vụ việc, sau khi cơ quan chức năng có thông tin chính thức mới vỡ lẽ, mình bị hớ, bị lố khi chạy theo trào lưu, có những phát ngôn vô hình trung góp phần gây “bão” thông tin trên MXH và đời sống dân cư. Đây là những biểu hiện khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay.

Ở phạm vi công tác xây dựng Đảng, nếu để bản thân bị cuốn theo trào lưu, “ăn theo” hội chứng đám đông chính là biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ: “Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhận thức hạn chế, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng… chính là việc “bỏ quên” chuyện của mình, việc của mình, để tâm trí “hướng ngoại”, hăng hái bàn việc của người khác, ở chỗ khác, nơi khác. Khi vấn đề bị đẩy quá đà, sự góp ý, phản biện biến thành phán xét, quy chụp thiếu căn cứ.

Khi cán bộ, đảng viên là người từng giữ những cương vị lãnh đạo, quản lý đã nghỉ hưu hoặc người có tiếng nói, uy tín trong cộng đồng, xã hội, những ý kiến đóng vai trò phản biện bị đẩy lên gay gắt quá mức cần thiết, rất dễ trở thành nhân tố kích động, gây hoang mang, mất niềm tin trong công chúng.

Thực tế công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua cho thấy, không ít cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng có khuyết điểm, biểu hiện sai phạm, thậm chí vi phạm nghiêm trọng, nhưng không được phát hiện, ngăn chặn từ sớm, ngay từ cơ sở.

Tình trạng yếu kém trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình, thủ tiêu đấu tranh, dĩ hòa vi quý… khiến các sai phạm có môi trường sinh sôi, phát triển, nhiều vụ việc gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân.

Mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều bắt nguồn từ khuyết điểm, sai phạm của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng ở cơ sở. Tư duy chủ nghĩa cá nhân, có lợi ích, quyền lợi thì lo vun vén cho bản thân, gia đình, còn khuyết điểm, sai trái thì đùn đẩy, né tránh, khiến tình trạng suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống bị hổng từ gốc, bị mục ruỗng từ bên trong. Đứng trước khuyết điểm, sai phạm thì nghĩ, nó xảy ra ở nơi khác, người khác, trừ mình. Lối phê bình, phản biện kiểu “quăng chài”, “đơm đó ngọn tre”… làm cho chất lượng sinh hoạt Đảng mang tính hình thức, chiếu lệ.

Cán bộ, đảng viên là tế bào gốc của Đảng. Khi có một bộ phận không nhỏ tổ chức đảng yếu kém thì sức chiến đấu, uy tín của Đảng sẽ bị giảm sút. Khi cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng có thói quen “hóng hớt” theo trào lưu mà thờ ơ, thậm chí bỏ quên vai trò, trách nhiệm của mình thì cái gốc của xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ bị lung lay. Đây là kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, khoét sâu, xuyên tạc, chống phá Đảng.

Ảnh minh họa/TTXVN.

Tính xây dựng trong đấu tranh, phản biện

Một trong những vụ việc sai phạm lớn khiến dư luận bức xúc gần đây là điểm “nóng” Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh. Tại Thông báo số 1041/TB-TTCP ngày 26-6-2019 về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ: “Để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm trên là do UBND TP Hồ Chí Minh không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không lập các dự án theo thứ tự ưu tiên để trình duyệt theo quy định; giao đất, cho thuê đất trước khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chỉ định nhà đầu tư không đúng quy định…”.

Những sai phạm ấy tồn tại, kéo dài suốt hơn 20 năm qua không được phát hiện, xử lý kịp thời từ cơ sở khiến sai phạm chồng sai phạm, gây thất thoát tài sản Nhà nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, khiến việc xử lý, khắc phục hậu quả tốn rất nhiều công sức và khó khăn.

Cùng với Thủ Thiêm, không ít vụ việc sai phạm ở nhiều địa phương, đơn vị… thời gian qua đều có nguyên nhân tổ chức đảng ở cơ sở chưa hoàn thành vai trò lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa được phát huy, vai trò giám sát, đấu tranh trong nội bộ tổ chức đảng ở cơ sở bị coi nhẹ, nhiều khi bị triệt tiêu. Hàng loạt vụ việc, tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, truy tố trước pháp luật thời gian qua đều có chung nguyên nhân mấu chốt này.

Các vụ việc sai phạm, tiêu cực đó đã gây tâm lý bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh suy xét một cách khách quan, thấu đáo là, sau khi vụ việc được phát hiện, các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt để từng bước đưa vấn đề ra xử lý trước pháp luật, khắc phục hậu quả, chăm lo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nhìn vào môi trường truyền thông, MXH và dư luận, “mũi nhọn” của phản biện xã hội lại thường tập trung khoét sâu vào khuyết điểm, sai phạm của cán bộ mà không coi trọng, đề cao vai trò, hiệu quả của việc chỉ đạo, giải quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương và của các cơ quan chức năng Trung ương.

Bản chất của đấu tranh, phản biện là để xây dựng chứ không phải xát thêm muối vào vết thương, gây thêm hoang mang cho người dân. Tinh thần lấy xây để chống phải được quán triệt, thực thi ngay từ mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở, nhất là đối với những người có tiếng nói trong cộng đồng dân cư.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII: “Trước mắt, rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”, hàng loạt vụ việc tiêu cực, sai phạm đã được ủy ban kiểm tra đảng ủy các cấp, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra trên cơ sở khách quan, thận trọng, kiên trì, kiên quyết… đã góp phần quan trọng chấn chỉnh lề lối sinh hoạt, chấn hưng văn hóa đạo đức và sức mạnh chiến đấu trong Đảng.

Người xưa đã đúc kết: Sống ở đời phải chú ý 3 việc: Việc của bản thân, việc của người khác và việc của ông trời. Chúng ta thường buồn phiền là do: Quên mất việc bản thân, thích xen vào việc người khác và lo lắng về việc của ông trời. Muốn vui vẻ, cần phải làm tốt việc của bản thân, đừng xen vào việc người khác và đừng nghĩ việc của ông trời.

Trong đời sống hiện đại, xét riêng về yếu tố đấu tranh, phản biện xã hội và nhiệm vụ đảng viên thì việc của ông trời chính là những yếu tố khách quan, việc của bản thân chính là chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên được quy định rõ trong Điều lệ Đảng và các nghị quyết, quy định, chỉ thị.

Thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân theo quy định, nghị quyết, Điều lệ Đảng, quan tâm, phản biện các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội trên tinh thần hiểu biết, xây dựng, nêu cao tính chiến đấu… chính là cách để mỗi cán bộ, đảng viên xây dựng, củng cố bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh…

Trên phương diện cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên không ai có thể am tường hết mọi lĩnh vực tri thức và mọi vấn đề của đời sống xã hội. Mỗi chúng ta đều chịu giới hạn bởi một cái “vỏ ốc”, dù ít nhiều, ai cũng muốn vượt khỏi nó để có thể mang được cái cọc đóng rêu. Để xác định được tầm nhìn phản biện, đấu tranh, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ rõ, một trong những giải pháp thực hiện, đó là: “Tổ chức diễn đàn trao đổi, đối thoại những vấn đề còn có nhận thức, quan điểm khác nhau liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Tăng cường trao đổi, đối thoại ngay tại nơi sống, sinh hoạt, giải quyết căn cơ các vấn đề bức xúc, sai sót ngay trong tổ chức cơ sở đảng là điều kiện cần thiết để cán bộ, đảng viên tham gia có hiệu quả hoạt động đấu tranh, phản biện mà không phải “ăn theo” hội chứng đám đông…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cái vỏ ốc và tầm nhìn phản biện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.