Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác với những chiêu bài "dân chủ"

Tâm Đức| 09/09/2019 06:15

(HNM) - Lâu nay, trên một số diễn đàn mạng xã hội vẫn xuất hiện những bài viết đi ngược quan điểm của Đảng, cổ xúy cho tư tưởng dân chủ cực đoan, tuyệt đối hóa “tam quyền phân lập”. Mỗi khi đất nước chuẩn bị diễn ra sự kiện lớn (như việc các cấp ngành, địa phương đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng), những luận điệu trên lại xuất hiện dày hơn. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), những hành động này cần được tỉnh táo nhìn nhận, phê phán và có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

1. Nổi lên gần đây những “bài viết” đăng trên tài khoản Facebook của cá nhân có tên là Nguyễn Đình C. (cư trú ở quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội). Nội dung mà tài khoản Facebook này, cũng như nhiều phần tử “dân chủ” đề cập không có gì mới, vẫn là những luận điệu chống phá Đảng, Nhà nước; cổ xúy, tuyệt đối hóa "tam quyền phân lập". Tuy nhiên, điều đáng bàn là trong số những kẻ tự khoác áo “dân chủ” ấy, có một số trí thức, nhà khoa học đã nghỉ hưu có ít nhiều ảnh hưởng đến xã hội, nên bài viết của họ được không ít người đọc, chia sẻ và bình luận. Trong đó có cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đang công tác.

Từ lâu, những bài viết chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực phản động, thù địch và những nhà “dân chủ” ở trong nước thường chỉ khai thác những hạn chế, khuyết điểm trong xã hội để tìm cách phủ nhận những thành quả to lớn của đất nước. Mỗi khi có một vụ việc tiêu cực nào đó được đưa ra ánh sáng là chúng chộp lấy, khoét sâu rồi quy chụp đó là "bản chất, là lỗi hệ thống". Ví dụ như việc hai bị can trong vụ án MobiFone mua cổ phần của AVG là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã khai nhận hối lộ, các phần tử chống phá đã triệt để khai thác, quy kết nguyên nhân chính là do Đảng "dung nạp và sử dụng những cán bộ, đảng viên vụ lợi, thiếu đức, thiếu tài"... Trong khi thực tế, qua vụ việc này (và rất nhiều vụ tham nhũng khác) cho thấy, Đảng, Nhà nước ta luôn đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, với những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xử lý nghiêm khắc theo pháp luật mọi vi phạm bất kể đó là ai. 

Một trong những chiêu thức vô cùng nguy hiểm mà các nhà “dân chủ” hướng tới là từ việc xuyên tạc, bôi đen chế độ, xã hội, sẽ kêu gọi thúc đẩy hình thành “xã hội dân sự”, thực hiện “tam quyền phân lập” theo mô thức phương Tây. Núp dưới chiêu bài “dân chủ hóa”, họ câu kết để hình thành “kênh phản biện” nhằm tạo ra các tổ chức đối trọng với các cơ quan, tổ chức trong bộ máy của Đảng, Nhà nước; đòi giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội không trên căn cứ pháp luật. Họ lợi dụng các diễn đàn tư tưởng, thông qua hoạt động hợp tác, nghiên cứu khoa học... để tuyên truyền về “xã hội dân sự”, đề cao dân chủ tư sản... nhằm chuyển hóa lập trường, tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tất nhiên, các đối tượng này đã lờ đi mặt trái, khiếm khuyết của "tam quyền phân lập", đó là các quyền lực và sự kiểm soát vẫn thường bị lợi dụng phục vụ cho mục đích riêng của một đảng (hay một nhóm người) mà không hẳn vì quyền lợi của cử tri, của nhân dân, từ đó trở thành mầm mống cho những bất ổn chính trị, xã hội... Mải tuyệt đối hóa "tam quyền phân lập" nên các đối tượng chống phá cố tình không hiểu một trong những nguyên tắc cơ bản trong Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp là thực hiện quyền lực do nhân dân giao phó; được thiết chế hóa bởi pháp luật; có sự phân công, phối hợp, kiểm soát vừa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ của nhân dân được thực thi.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã xác định, việc cổ xúy cho những quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan chính là biểu hiện dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nhanh nhất. Tuy nhiên, có thực tế là việc đấu tranh với các đối tượng này thời gian qua chưa hiệu quả và cá biệt có một số cán bộ, đảng viên thờ ơ với việc này. Đây là hiện tượng rất nguy hiểm, giống như thứ vi rút độc hại lan truyền ngấm ngầm trong xã hội, dẫn tới những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước.

2. Như đã biết, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ xã hội nào cũng tồn tại những kẻ chống đối với nhiều cách thức, chiêu bài, trong đó có hiện tượng đấu tranh dân chủ cực đoan. Thực tế cho thấy, vào thời kỳ trước khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch đã tìm mọi thủ đoạn phát tán tài liệu xuyên tạc, chống phá nhằm vào cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Còn ở Việt Nam hiện nay, lợi thế của truyền thông và mạng xã hội đang được tận dụng tối đa để phát tán tư tưởng phản động, từ đó len lỏi, thấm dần vào suy nghĩ, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Thế nên, để không bị “nhiễm độc” bởi những tư tưởng lệch lạc, dân chủ cực đoan, tất yếu đội ngũ cán bộ, đảng viên ở mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương phải là lực lượng đi đầu.

Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là quán triệt phương châm chỉ đạo trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là: Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách… Vì thế, cần chủ động hơn nữa trong công tác tuyên truyền để thu hút mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân cùng tham gia đấu tranh trên cơ sở hiểu rõ bản chất của những kẻ "khoác áo dân chủ", đặc biệt là về âm mưu, thủ đoạn và các biện pháp tiến hành. Các cấp ủy cần quán triệt tình hình, thông báo, dự báo sát mọi thủ đoạn của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, có đối sách thích hợp để vạch trần, chứng minh, bác bỏ những luận điệu vu khống, bịa đặt. Trong đó, nội dung tuyên truyền cần dễ hiểu, dễ nhớ, làm rõ bản chất vấn đề, giúp mọi người luôn nêu cao cảnh giác. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có hành vi tiếp tay, chia sẻ các bài viết phản động, làm tổn hại lợi ích của xã hội, lợi ích của nhân dân. Bên cạnh đó, cần kiểm tra, duy trì và thực hiện tốt Luật An ninh mạng, trong đó kiên quyết xử lý các mạng xã hội cố tình dung túng, chứa chấp các nội dung bịa đặt, phản động. 

Nêu cao cảnh giác, giữ vững trận địa tư tưởng, tham gia mạng xã hội một cách thông minh, xây dựng đoàn kết nội bộ và đoàn kết toàn dân tộc chính là phương cách tốt nhất để đấu tranh với các thủ đoạn tuyên truyền của những kẻ lợi dụng chiêu bài “dân chủ”.

Tham gia thế giới ảo có bản lĩnh và chừng mực chính là cách tốt nhất để không vô tình trở thành phương tiện, tiếp tay cho những ý đồ xấu phá hoại sự ổn định xã hội cũng như sự nghiệp phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với những chiêu bài "dân chủ"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.