Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãy tiếp nhận thông tin một cách thông minh!

Trí Chính| 16/09/2019 06:24

(HNM) - Vụ hỏa hoạn tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã trôi qua gần 20 ngày nhưng vẫn là đề tài “nóng” trong dư luận xã hội. Điều đó dễ hiểu vì mức độ thiệt hại rất lớn (khoảng 150 tỷ đồng như doanh nghiệp báo cáo) và liên quan trực tiếp tới môi trường sống của nhân dân trong khu vực. Dù vậy, việc xử lý đưa thông tin, tiếp nhận thông tin một cách thông minh trong bối cảnh mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng cũng là câu chuyện đáng lưu tâm ở vụ việc này.

1.Với tinh thần "tất cả vì cuộc sống bình an", ngay sau khi vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) xảy ra, lãnh đạo thành phố đã chủ động chỉ đạo tập trung công tác chữa cháy, tập trung bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, không để lây lan... Khi ngọn lửa được dập tắt, cùng với việc chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, thành phố tiếp tục thực hiện một loạt các giải pháp nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân như: Khẩn trương kết thúc điều tra bàn giao mặt bằng để thu gom rác, làm sạch môi trường; quan trắc thường xuyên diễn biến môi trường; tổ chức thăm hỏi, động viên; tổ chức khám sức khỏe cho người dân; tư vấn cách vệ sinh môi trường, bảo vệ giữ gìn sức khỏe....

Tính đến ngày 11-9, chính quyền các cấp đã tổ chức 7 đoàn thăm hỏi, động viên các gia đình trong khu vực; hàng nghìn người dân cũng đã được khám và kiểm tra sức khỏe miễn phí. Từ ngày 12-9, Binh chủng Hóa học trực tiếp tẩy độc và xử lý môi trường tại khu vực Công ty Rạng Đông…

Điểm qua hàng loạt các sự việc nói trên để thấy rằng, dù là xử lý hậu quả của một vụ cháy khối lượng lớn hóa chất dùng trong công nghiệp chưa có tiền lệ, nhưng cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội đã luôn sát cánh với những lo lắng chính đáng của nhân dân. 

Dẫu vậy, trên thực tế, cũng có một số hạn chế trong quá trình phối hợp giữa các cấp, ngành; đặc biệt là việc cung cấp thông tin thiếu chủ động, nhất quán đã làm một bộ phận người dân hoang mang. Thêm vào đó, một vài hình ảnh lãnh đạo cơ quan chuyên môn xuống hiện trường phản cảm, phát ngôn gây hoang mang. Một vài số liệu hoặc văn bản của Tổng cục Môi trường ban hành vội vã, sau đó được thu hồi, “diễn đạt lại” đã không những không ổn định được tình hình mà càng làm sự việc thêm rối. Từ đó, một số ít cơ quan báo chí, được sự hỗ trợ của mạng xã hội, thậm chí bị mạng xã hội dẫn dắt nên không nắm rõ bản chất vấn đề đã đưa ra những “thuyết âm mưu”, thậm chí là lái sự việc theo hướng khác.

Qua sự việc trên cũng như một loạt các vụ việc trong khoảng 10 năm trở lại đây như: “Thánh vật” sông Tô Lịch, ăn bưởi gây ung thư, sản phẩm “có ruồi” của Tân Hiệp Phát, vắc xin Quinvaxem… cho thấy, nguy cơ đối với người làm báo và cũng là nguy cơ đối với người đọc rất rõ. Đó là khi người làm báo không tập trung đi tìm sự thật, mà chỉ đi tìm những mảnh ghép của sự việc theo tâm lý đám đông, theo sự dẫn dắt của mạng xã hội, trong đó người viết cho mình vừa có quyền “bức xúc”, “phán xét” lại vừa “vô can” rất cần phải lên án. 

Nhìn lại để đi tới và càng thêm thấm thía một điều ngày càng rõ: Không làm chủ thông tin trong một xã hội thông tin luôn là thiệt thòi, đồng thời nguy cơ đối mặt với nhiều “sự cố” khác không có trong bất kỳ một “kịch bản” nào, thậm chí không có cơ hội sửa sai, là điều có thể dự báo.

2. Đã có nhiều cảnh báo từ các nhà nghiên cứu xã hội trên thế giới về tính hai mặt của mạng xã hội cũng như cách ứng phó trước vấn nạn thông tin giả từ nó. Lời khuyên mang tính xuyên suốt sau tất cả vẫn là: Trong mớ hỗn độn thông tin gây "ngộ độc" con người - để không trở thành nạn nhân, thì mỗi người hãy trở thành một "người đọc thông minh" thông qua tự sàng lọc, tìm kiếm nguồn thông tin tin cậy, xác thực để thu nạp sự hiểu biết, kiến thức đúng đắn, từ đó nhận thức đúng bản chất sự việc, hiện tượng.  

Nhu cầu tự thân với mỗi công dân cần và nên là không ngừng nâng cao sức “đề kháng”, trang bị hiểu biết về pháp luật, bộ lọc văn hóa tốt, ứng xử văn minh trong tranh luận, phản biện, có năng lực đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội. Để hỗ trợ cho quá trình và mục tiêu này, các cơ quan quản lý cần chú trọng tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội nói riêng, các nền tảng truyền thông xã hội của mọi công dân nói chung. Trong đó, phải đặc biệt coi trọng công tác giáo dục định hướng giá trị để người dân biết cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin, tránh khỏi các biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi... 

Trong một diễn biến tưởng chừng không liên quan trực tiếp đến vấn đề tiếp nhận thông tin một cách thông minh, nhưng nếu suy nghĩ thấu đáo thì đó lại là mối quan hệ biện chứng. Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12-9-2019 có chi tiết rất đáng chú ý. Đó là việc các tổ chức phản động lưu vong, đối tượng chống đối trong nước gia tăng các hoạt động chống phá; triệt để lợi dụng các vụ việc gây bức xúc dư luận để kêu gọi, phát động biểu tình, nhằm gây rối an ninh trật tự.

Cái đích xa hơn và nhất quán của những đối tượng này là phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”… Nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua, trong đó gần nhất là vụ cháy tại Công ty Rạng Đông là cái cớ “không thể tốt hơn” với chúng. Đây là những âm mưu thâm độc không dễ nhận ra.

Ngoài ra, để tiếp nhận thông tin một cách thông minh, mỗi công dân cũng cần nắm rõ và nghiêm chỉnh chấp hành Luật An ninh mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, với 20 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng. Trong số đó, có nhiều hành vi trước đây chỉ bị cấm ngoài đời nhưng nay bị cấm cả trên mạng.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã nêu rõ việc lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân là biểu hiện dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nhanh nhất. 

Cần hết sức thận trọng, thậm chí là đề cao cảnh giác với mạng xã hội vì thực chất đó là xa lộ đầy rẫy thông tin giả, thông tin thiếu kiểm chứng, không rõ danh tính người cung cấp thông tin… Trong xã hội mà thông tin có nhiều nguồn khác nhau, thật giả đan xen, mỗi cán bộ, đảng viên cần bình tĩnh sàng lọc và luôn chủ động tiếp nhận thông tin từ những kênh chính thống, từ đó có quan điểm, hành động đúng, hướng dẫn người khác cùng làm theo. Bởi nhiều hành động tưởng chừng vô hại như xem, bình luận, chia sẻ thông tin hiếu kỳ trên internet… chỉ để giải trí nhưng có thể lại là hành vi phạm pháp, tiếp tay cho những phần tử cơ hội, bất mãn hoặc ngấm ngầm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, dẫn tới những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến sự ổn định của Thủ đô và đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy tiếp nhận thông tin một cách thông minh!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.