Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôn vinh 63 người thầy “gieo con chữ” cho học sinh dân tộc thiểu số

T.L| 31/07/2019 08:07

Năm 2019, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long tiếp tục thực hiện chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” với mục tiêu tuyên dương 63 thầy, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học, trung học ở vùng sâu, vùng xa có số học sinh dân tộc trên 50% đó là những thông tin chính thức trong buổi họp báo diễn ra vào ngày 25-7 vừa qua tại Hà Nội.

Đây là năm thứ 5 chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được tổ chức. Trải qua 4 năm, chương trình đã tuyên dương 64 thầy giáo, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo, 42 giáo viên của các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo, 48 thầy cô giáo tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, trung tâm bảo trợ xã hội và 60 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng làm công tác dạy học giúp đỡ học sinh đến trường.

Năm nay, Ban tổ chức tiếp tục tuyên dương 63 thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các lớp học có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số đang theo học.

Các thầy, cô được tuyên dương là người có tư cách đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường và xã hội ghi nhận. Trong đó ưu tiên các giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm, giáo viên trẻ lên vùng sâu, vùng xa dạy học, có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác giáo dục.

Dự và chủ trì buổi họp báo có lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc anh em. Điều đó mang lại nhiều giá trị tinh hoa, văn hóa đa dạng, nhưng cũng đồng thời tạo ra sự khác biệt ít nhiều về ngôn ngữ và đó cũng là một trong những rào cản chính đối với giáo viên để có thể tiếp cận và dạy học sinh dân tộc thiểu số. Nhưng dù rào cản ngôn ngữ có lớn đến đâu, địa hình rừng núi, vùng sâu có khó khăn, hiểm trở cách mấy, điều kiện giảng dạy, sinh hoạt có thiếu thốn đến nhường nào, tất cả cũng không ngăn được tình thương của các thầy, cô giáo. Tình thương ấy như những gốc rễ vững chãi, vẫn bám bản, bám làng, tận tụy “tỏa tán cây tri thức” đến với con em đồng bào các dân tộc.

Có thể nói, những cụm từ mạnh mẽ như “sự vững vàng về nghiệp vụ”, “sự kiên trì chịu khó”, “sự tận tâm dành cho học trò”, “khả năng chịu áp lực”… cũng không đủ để nói hết về công việc của các thầy, cô giáo này. “Đó là những “người gieo chữ” đã can đảm gác lại sau lưng những cơ hội tốt, thậm chí rời xa người thân, gia đình để đến với những bản làng vùng sâu, xa, với những vùng miền còn khó khăn, nghèo khổ. Tại nơi đó, họ vẫn vui, luôn sẵn sàng cống hiến hết mình như đúng với tinh thần: Được tin, được giao và được cống hiến” - Ông Bùi Văn Huống, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long đã nhận định như thế.

Chương trình sẽ nhận hồ sơ xét tuyên dương từ ngày 25-7 đến ngày 25-9-2019. Dự kiến lễ tuyên dương chương trình được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 tại Thủ đô Hà Nội. Mỗi thầy, cô giáo dạy học sinh dân tộc thiểu số được tuyên dương năm nay sẽ được nhận một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Dân tộc và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng trong dịp này, để đánh dấu chặng đường năm thứ 5 của chương trình, Ban tổ chức còn đặc biệt phát động cuộc thi sáng tác ca khúc với chủ đề “Chia sẻ cùng thầy cô” để tri ân những đóng góp của các thầy giáo, cô giáo trong toàn xã hội.

Cuộc thi được phát động từ ngày 25-7 đến 25-10-2019, dành cho các đối tượng là công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập trong và ngoài nước; nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước với nhiều giải thưởng giá trị. Bên cạnh đó, Ban tổ chức sẽ tiến hành tổng kết 5 năm chương trình và xây dựng kế hoạch thực hiện cho các năm tiếp theo để tiếp tục tôn vinh những giá trị nhân văn cao đẹp, sự cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của thầy cô giáo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tôn vinh 63 người thầy “gieo con chữ” cho học sinh dân tộc thiểu số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.