Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch mạng lưới bến, bãi đỗ xe: Đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị

Bài, ảnh: Tuấn Lương| 04/05/2018 07:50

(HNM) - Hà Nội đang hoàn thiện Đồ án quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Các bến xe mới sẽ được xây dựng bên ngoài Vành đai 3, kết hợp với những điểm đầu - cuối của hệ thống xe buýt công cộng và nhà ga đường sắt đô thị nhằm vận chuyển hành khách ra vào khu vực nội đô thuận tiện và đồng bộ, đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị.


Bãi đỗ xe cao tầng sử dụng công nghệ hiện đại trên địa bàn Hà Nội chưa nhiều.


Đưa bến xe ra ngoài Vành đai 3

Theo Sở GT-VT Hà Nội, đến thời điểm này, Đồ án quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Sở báo cáo UBND thành phố 3 lần. Các nội dung trong đồ án cũng được hội đồng thẩm định thành phố cho ý kiến, hoàn chỉnh; dự kiến, sẽ phê duyệt trong quý II-2018.

Một số điểm đáng chú ý là, với khu vực đô thị trung tâm, mạng lưới bến xe khách liên tỉnh sẽ được bố trí trên các trục hướng tâm cửa ngõ và vành đai giao thông liên vùng (Vành đai 4), theo các hướng vận chuyển hành khách Đông, Tây, Nam, Bắc; kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại; từng bước thay thế toàn bộ các bến xe khách hiện có đang khai thác sử dụng trong Vành đai 3 hiện nay ra khu vực Vành đai 4. Các bến xe hiện có (trong khu vực đường Vành đai 3) được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô như hiện nay. Cụ thể: Bến xe Gia Lâm, Giáp Bát dự kiến sau năm 2020 và Bến xe Mỹ Đình sau năm 2025 sẽ chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Bến xe Nước Ngầm dự kiến sau năm 2025 chuyển thành đầu mối giao thông công cộng.

Để thay thế, Hà Nội sẽ xây mới bến xe liên tỉnh phía Bắc - Bến xe Nội Bài (vị trí giao giữa đường Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hạ Long, Bắc Thăng Long - Nội Bài, giáp tuyến đường sắt đô thị số 6); Bến xe khách Đông Anh (nằm tại điểm giao cắt quốc lộ 3 với đường Vành đai 3, giáp tuyến đường sắt đô thị số 4); Bến xe Cổ Bi (nằm tại vị trí kẹp giữa đường sắt vành đai và quốc lộ 5 thuộc xã Cổ Bi, giáp tuyến đường sắt đô thị số 1); Bến xe khách phía Nam (đề xuất tại phía Nam Khu công nghiệp Ngọc Hồi, phía Đông Ga Ngọc Hồi), bảo đảm kết nối thuận lợi với tuyến đường sắt đô thị số 1; Bến xe khách Yên Nghĩa (bến xe hiện có); Bến xe khách liên tỉnh phía Tây (nằm cạnh nút giao Vành đai 4 và Đại lộ Thăng Long, giáp tuyến đường sắt đô thị số 5); Bến xe khách liên tỉnh Phùng (nằm sát vị trí giao giữa quốc lộ 32 và đường Vành đai 4, giáp tuyến đường sắt đô thị số 3)...

Mạng lưới bãi đỗ xe được quy hoạch có tổng diện tích 1.805,7ha (trong đó: 1.197,8ha là bãi đỗ xe công cộng tập trung; 17,7ha là bãi đỗ xe trung chuyển; 590,2ha là bãi đỗ xe buýt và xe tải). Trong giai đoạn trước mắt khi chưa kịp đầu tư các bến, bãi đỗ xe theo quy hoạch thì đối với những khu vực bức xúc, thiếu bãi đỗ xe vẫn tạm thời duy trì một số điểm trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân. Về lâu dài, các điểm đỗ xe tạm thời sẽ được thay thế bằng các bãi đỗ xe tập trung phù hợp với quy hoạch.

Nhiều cơ chế khuyến khích đầu tư

Theo ông Phan Trường Thành, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GT-VT Hà Nội), trong quy hoạch, vùng lõi đô thị từ Vành đai 3 trở vào sẽ được ưu tiên cho các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng nhằm sử dụng tối đa diện tích đất hiện có. Bên cạnh đó, thành phố chủ trương rà soát tổng thể các dự án được đồng ý thực hiện trước đây, nhưng chậm triển khai, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các nhà đầu tư không tiếp tục triển khai sẽ chịu thu hồi dự án.

Để đồ án quy hoạch phát huy hiệu quả, Sở GT-VT đã đề xuất UBND thành phố một số giải pháp. Cụ thể, tăng cường ''gọi'' xã hội hóa đầu tư; kiểm soát, thẩm định chặt chẽ năng lực của các nhà đầu tư đề xuất xây dựng bãi đỗ xe. Việc chấp thuận chủ trương đầu tư bãi đỗ xe có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên cho các khu vực đang bức xúc, quá tải về nhu cầu bãi đỗ xe; tổ chức triển khai lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch không gian ngầm làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn.

Thành phố sẽ nghiên cứu, ban hành cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ xe được xã hội hóa đầu tư theo từng khu vực đặc thù nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn vốn; ưu tiên việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng thông minh để tận dụng, khai thác tối đa quỹ đất hiện có và có cơ chế khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư trong việc áp dụng khoa học công nghệ khi quản lý, khai thác, vận hành các bãi đỗ xe; cho phép các nhà đầu tư bãi đỗ xe ngầm được lồng ghép một số chức năng dịch vụ tiện ích khi đầu tư xây dựng, nhưng bảo đảm không thay đổi chức năng quy hoạch cơ bản của ô đất, cũng như công suất đỗ xe, cho phép được bán một số chỗ đỗ xe ngầm với tỷ lệ nhất định sau khi đầu tư xong. Xung quanh các khu vực đã được đầu tư bãi đỗ xe theo quy hoạch trong phạm vi bán kính khoảng 500m không cho phép khai thác sử dụng các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tạm thời ở lòng đường, hoặc vỉa hè...

Ngoài những giải pháp trên, thành phố sẽ áp dụng biện pháp hạn chế tối đa việc sở hữu và sử dụng phương tiện giao thông cơ giới cá nhân. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông công cộng theo quy hoạch, đặc biệt khu vực đô thị trung tâm; đầu tư cơ sở hạ tầng để khuyến khích người dân sử dụng các loại hình giao thông đi bộ và xe đạp, nhằm hỗ trợ cho giao thông công cộng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch mạng lưới bến, bãi đỗ xe: Đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.