Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất bổ sung lái xe đường trường vào bài thi cấp bằng lái xe máy

Nguyễn Thúc| 27/09/2018 20:37

(HNMO) - Đó là một trong những giải pháp của kết quả nghiên cứu An toàn giao thông năm 2017 với chủ đề

Với sự hỗ trợ của Ủy ban ATGT quốc gia, VAMM đã thực hiện nhiều hoạt động giúp nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi tham gia giao thông của cộng đồng.


Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác nghiên cứu về ATGT, từ tháng 9 năm 2017, đề tài nghiên cứu khoa học về “Vai trò của xe máy trong hiện tại và tương lai tại Việt Nam” đã được triển khai và kết quả nghiên cứu được công bố tại lễ ký kết hợp tác năm 2018 giữa Uỷ ban ATGT quốc gia và VAMM ngày 27-9.

Nghiên cứu nhận định, trong tương lai (tới 2030 và xa hơn), khi thu nhập tiếp tục tăng thì khả năng cao xe máy sẽ vẫn được sở hữu và sử dụng tại Việt Nam. Nguyên nhân chính là bởi tính tiện lợi, chi phí phù hợp và năng lực vận chuyển hành khách lớn của xe máy so sánh trên cùng một làn đường. Trong khi đó, tỉ lệ đường trên diện tích đất và số lượng xe buýt trên một triệu dân trong những thập niên vừa qua của các thành phố Việt Nam vẫn còn thấp.

Ngoài ra, khảo sát hộ gia đình cũng cho thấy, xe máy là phương tiện được sở hữu nhiều nhất ở tất cả các nhóm thu nhập, hiện ở mức trung bình 2,4 xe/hộ gia đình. Khi thu nhập tăng, sở hữu ô tô con tăng theo nhưng nó không làm giảm sở hữu xe máy. Đối với các cá nhân, dù thu nhập thấp hay cao thì họ vẫn sử dụng xe máy để đi lại là chính. Ngay cả ở nhóm thu nhập cao nhất, mặc dù 52% sử dụng ô tô nhưng vẫn còn trên 40% sử dụng xe máy.

Xe máy được ưa chuộng là do phương tiện này đáp ứng tốt 3 tiêu chí: giá rẻ, nhanh, linh động. Đây là các yêu cầu có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh mức thu nhập cá nhân tại Việt Nam chưa thực sự cao, cơ sở hạ tầng đường sá còn hạn chế, ùn tắc giao thông còn tồn tại.

Tại nhiều đô thị phát triển ở châu Á như Bangkok (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc...), xe máy vẫn được sử dụng rộng rãi.


Trong bối cảnh như vậy, nghiên cứu đã đề xuất "Khung chiến lược ATGT xe máy" với một số giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông xe máy an toàn. Trong đó, bốn thành phần chính bao gồm: Chính thức đưa xe máy vào các chính sách, pháp luật về an toàn giao thông; cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông an toàn cho lưu thông xe máy; cung cấp chương trình giáo dục, đào tạo về ATGT xe máy cho mọi đối tượng đi đường; đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ an toàn cho xe máy.

Nghiên cứu cũng chỉ ra một số giải pháp có tỷ lệ ủng hộ cao trong các khảo sát, như: Quy định trẻ em dưới 6 tuổi cũng phải đội mũ bảo hiểm, quy định trẻ 16-18 tuổi có chứng chỉ lái xe an toàn (50cc, xe máy điện); bổ sung nội dung lái xe đường trường vào bài thi cấp bằng lái xe máy; phổ biến sổ tay điều khiển xe máy an toàn, triển khai làn đường riêng, làn ưu tiên cho xe máy; quy định xe máy mới phải có hệ thống phanh chống bó (ABS), quy định xe máy phải tự động bật đèn pha ban ngày (AHO), kiểm định kỹ thuật hằng năm đối với mô tô, xe máy...

Nghiên cứu nói trên là một trong 5 dự án được thực hiện trong ba năm qua, nhằm đưa ra bức tranh toàn diện về tình hình phát triển giao thông liên quan đến xe máy, đồng thời phân tích rõ nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, đề xuất những giải pháp hữu ích và khả thi đối với thực trạng giao thông tại Việt Nam, hướng đến xây dựng môi trường giao thông lành mạnh, bền vững cho người Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất bổ sung lái xe đường trường vào bài thi cấp bằng lái xe máy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.